1001 thắc mắc: Làm thế nào thoát khỏi dòng xoáy tử thần trên biển?

Châu Anh (T/h) |

Dòng xoáy tử thần hay dòng chảy xa bờ là hiện tượng thường gặp ở các bãi biển. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra các vụ tại nạn chết người khi đi tắm biển.

Dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.

Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current). Dòng chảy xa bờ có thể lôi người ra xa bờ với vận tốc lớn hơn một vận động viên Olympic - trong 1 phút có thể bất ngờ cuốn xa khoảng 100m.

Nơi có nước xoáy thường trông giống như chỗ an toàn cho người bơi lội. Vì không nhìn thấy có sóng lớn nên nhiều người thường không cảnh giác.

Hầu hết mọi người không biết cách nhận ra nơi nhiều khả năng có dòng chảy xa bờ (dòng nước xoáy tử thần) hoặc không biết họ phải làm gì khi vướng vào tình cảnh nguy hiểm này.

Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng/cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ra biển mà chạy dọc theo bờ biển.

Cách sống sót khi gặp dòng chảy xa bờ

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây: Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn; Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn; Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ / bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Rip Current có thể đột nhiên xuất hiện với vận tốc 0,3-0,6m/giây và thường sẽ không có dấu hiệu để nhận biết. Nhưng một khi lọt vào và để bị cuốn ra xa, dòng chảy này có thể nhanh chóng tăng tốc, đạt đến 1-2,5m/giây, lúc này không ai có thể thoát khỏi dòng xoáy tử thần này.

1001 thắc mắc: Làm thế nào thoát khỏi dòng xoáy tử thần trên biển? - Ảnh 1.

Khi mắc phải dòng xoáy tử thần, bạn hãy cố gắng thực hiện những điều sau đây: Không được hoảng sợ. Đây là điều tối quan trọng. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Dòng rút bờ sẽ không hút bạn xuống đáy mà chỉ đưa bạn ra xa bờ thôi. Và thông thường dòng chảy tức thời đưa bạn ra xa bờ khoảng 30 m.

Không bơi ngược dòng. Đừng cố gắng bơi ngược dòng chảy xa bờ bởi hầu hết trường hợp chết đuối vì ngược dòng, không phải vì bị hút xuống dưới mà vì người bị nạn quá hoảng loạn và cố gắng bơi ngược dòng nước.

Đây là điều không thể, vì với vận tốc 2,5m/giây thì dù có là Michael Phelps - anh chàng kình ngư người Mỹ cũng sẽ kiệt sức và chết đuối mà thôi.

Bơi ngang bờ biển. Thay vì cố bơi ngược dòng, hãy tìm cách bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy. Sau khi đã thoát khỏi dòng xoáy, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.

Đi theo dòng chảy. Đối với những người đã đuối sức, không đủ thể lực để thoát khỏi dòng ngược, hãy thả nổi mình trôi theo dòng. Khi đã hết dòng ngược, cố gắng bơi song song với bờ biển hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc người dân gần đó ứng cứu.

Những xoáy nước tử thần lớn nhất thế giới

Saltstraumen ở Bodo, Na Uy có dòng hải lưu thủy triều mạnh nhất thế giới. Cứ 6 giờ 1 lần, lực nước biển lên tới 400 triệu m khối nước qua eo biển dài 3km và rộng 150m, với tốc độ nước có thể lên tới 41km/h.

Xoáy nước Naruto ở eo biển Naruto đi ngang qua Tokushima và đảo Hyogo, Nhật Bản. Dòng hải lưu ở eo biển thuộc vào hàng chảy xiết và nhanh nhất Nhật Bản và chảy nhanh thứ 4 thế giới. Những dòng xoáy nước có thể thấy từ trên tàu hay từ cây cầu Naruto bắc ngang eo biển.

Xoáy nước Niagara dọc theo sông Niagara nằm ở biên giới Mỹ-Canada (New York-Ontarion). Nó nằm ở Niagara George, hạ lưu thác Niagara. Độ sâu nhất của những dòng xoáy có thể lên tới 38m.

Eo biển French Pass là một hẻm nước hiểm trở chia cắt đảo D’Urville ở cực bắc của Đảo South ở New Zealand khỏi đất liền. French Pass có những dòng thủy triều nhanh nhất New Zealand, lên tới 4m/s. Khi thủy triều thay đổi, dòng hải lưu mạnh tới mức đủ để nuốt cá.

Old Sow là xoáy nước thủy triều lớn nhất ở bán cầu tây. Nó nằm ở phía tây nam bờ biển đảo Deer, New Brunswick, Canada.

Xoáy nước trên sông hình thành như thế nào?

Trên sông khi đến gần các mố cầu hoặc những chỗ dòng sông lượn vòng, gấp khúc ta hay thấy xuất hiện nhiều xoáy nước.

Nước sông đang chảy xiết, khi tới trụ cầu thì bị cản, nên phải lùi lại sau. Nhưng phía sau lại là dòng nước đang cuồn cuộn chảy tới, kéo nó chảy theo. Như thế, số nước này tiến không được, lùi cũng không xong, đành chạy vòng tròn ở vùng gần trụ cầu. Vậy là ở đó xuất hiện xoáy nước.

Trên dòng sông, xung quanh các cọc gỗ hay mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước cũng có thể xuất hiện xoáy. Đó là vì dòng nước sau khi bị các vật cản ngăn lại, nó chỉ có thể đi vòng ra hai bên.

Khi đến mặt sau vật cản, do ở nơi đó nước sông chảy chậm, ảnh hưởng đến sự chảy qua của dòng nước, thế là nó lao vào số nước đã ngăn cản sức chảy của nó và khiến chúng chạy vòng.

Ở những chỗ dòng sông lượn vòng, gấp khúc cũng dễ xuất hiện xoáy nước. Do nước sông có xu hướng chảy theo đường thẳng, vì vậy ở gần mặt trong đoạn vòng, luồng nước đã “thoát ly” bờ sông để chảy thẳng.

Thế nhưng, luồng nước ở phía ngoài lại ép luồng nước phía trong phải đi vòng qua. Khi luồng nước mặt trong chịu áp lực của mặt ngoài bị chen bật trở lại thì một phần của nó sẽ chảy bổ sung vào nơi mất nước, và như vậy đã hình thành xoáy nước.

Nếu chú ý bạn có thể thấy, xoáy nước trên dòng sông đều xuất hiện ở những nơi tốc độ và phương hướng dòng chảy đột ngột thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại