1001 thắc mắc: Kiến ngủ thế nào, tại sao kiến ‘thống trị’ thế giới?

Châu Anh |

Theo thống kê của các nhà khoa học thì có khoảng 20.000 loài kiến khác nhau được phát hiện trên Trái Đất. Làm cách nào mà loài kiến có mặt khắp các ngóc ngách trên thế giới? Và tại sao kiến chúa được ngủ say còn kiện thợ lại ngủ gật hàng trăm lần mỗi ngày?

Các nhà khoa học ước tính loài kiến hiện đại bắt đầu tiến hóa khoảng 120 triệu năm trước. Nhưng các mẫu hóa thạch cho thấy vào thời điểm đó loài kiến không phải là loài côn trùng phổ biến như ngày nay.

Mãi đến 60 triệu năm sau đó, một số loài kiến thích ứng với điều kiện sống mới và đa dạng hóa nguồn thức ăn. Từ đó, loài kiến trở thành sinh vật thống trị hệ sinh thái trên Trái Đất.

Theo thống kê của các nhà khoa học thì có khoảng 20.000 loài kiến khác nhau được phát hiện trên Trái Đất. Trong đó, có 11.000 loài đã được phân loại, chiếm một phần ba tổng số loài côn trùng được phát hiện cho đến nay. Trong hệ sinh thái phong phú ở khu vực Amazon (thuộc Brazil), số lượng kiến lớn hơn tổng số động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư cộng lại.

Sự thống trị của loài kiến do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cách chúng thích nghi với điều kiện sinh sống cũng như các nguồn thức ăn.

Kích thước của loài kiến cũng rất đa dạng: từ loài Oligomyrmex atomus có chiều dài tính bằng milimet hoặc dài đến 3,8 cm như loài Dinoponera. Chúng cũng có nhiều màu sắc từ đỏ, vàng đến màu đen. Loài kiến có mặt hầu như mọi nơi trên trái đất như sa mạc, rừng mưa, đầm lầy… trừ một số nơi có thời tiết lạnh nhất hoặc địa hình cao nhất trên Trái đất.

Thức ăn của nhiều loài kiến là thực vật có hoa giàu carbohydrate. Một số loài kiến xây dựng nơi trú ngụ quanh gốc cây để tự vệ khỏi những loại côn trùng khác và bảo vệ chính nguồn thực phẩm của chúng.

Những loài kiến sống trong môi trường có nhiệt độ cao, khô thường đối phó với hạn hán lâu dài bằng cách tích trữ lương thực. Loài kiến nhặt hạt cây (Pogonomyrmex californicus) xây dựng những kho thức ăn khổng lồ dưới đất. Loài kiến ăn mật ong dùng chính cơ thể của mình để trữ mật.

Trong thế giới loài kiến cũng thường xuyên xảy ra các cuộc chiến để tranh giành thức ăn.

Những sợi râu dài trên đầu kiến lính được dùng làm vũ khí trong các cuộc đối đầu. Odontomachus – một loài kiến có hàm rất khỏe và lớn – có tốc độ cắn nhanh đến nỗi chúng ta có thể nghe tiếng động khi hai răng của chúng chạm vào nhau.

Một số loài kiến có sử dụng "thủ đoạn" lấy cắp ấu trùng từ tổ bên cạnh. Thức ăn của loài Amblyopone oregonensis - còn được gọi là kiến "ma cà rồng" - chính là dưỡng chất trong cơ thể con mồi.

Kiến cái làm tất cả mọi việc

Tổ chức một tổ kiến thường bao gồm kiến chúa, kiến thợ và kiến lính với các chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Trong mỗi loài, phân công lao động khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của một cá thể.

Những con kiến làm việc trong tổ thường trẻ hơn những con phải kiếm ăn bên ngoài. Tương tự nhiều loại côn trùng có tổ chức bầy đàn khác, kiến cái đảm nhận tất cả mọi việc. Kiến đực chỉ có mỗi nhiệm vụ là phát tán gene qua việc giao phối.

Kiến là một loài động vật có tính xã hội cao, cá biệt có một số loài đã phát triển thành một xã hội có tổ chức phức tạp. Trong khi đó, nhiều loài côn trùng khác vẫn hoạt động giống như cách tổ chức tổ tiên chúng đã làm cách đây hàng chục triệu năm.

Hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả

Không giống các loài cũng hình thành cộng đồng xã hội khác như ong và ong bắp cày, phần lớn kiến không có cánh nhưng chúng đã phát triển được các hóa chất đặc biệt giúp liên lạc trên mặt đất.

Loài kiến thường tiết ra các hóa chất để hẹn hò, báo thức và định vị nơi có thức ăn. Khi muốn thụ tinh, kiến chúa sẽ leo lên một nơi cao, dùng đuôi để bắn vào không khí một lượng hóa chất thu hút sự chú ý của các con đực.

1001 thắc mắc: Kiến ngủ thế nào, tại sao kiến ‘thống trị’ thế giới?

Chúng cũng sử dụng hóa chất từ khoang miệng để báo động cho nhau khi cảm thấy điều gì đó bất thường đang xảy ra trong tổ.

Hóa chất có tác dụng như một còi báo hiệu khiến lũ kiến phải chạy ra khỏi tổ. Nó cũng là hiệu lệnh để các con kiến tranh thủ lấy ấu trùng và di chuyển theo những đường hầm dưới đất để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, những con được giao nhiệm vụ bảo vệ tổ sẽ bắt đầu dàn trận, sẵn sàng cắn, đốt bất cứ kẻ thù nào xâm phạm lãnh thổ của mình".

Con người có thể ngửi được mùi một số hóa chất do kiến tiết ra. Một loài kiến màu vàng rực, sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ, tiết ra một hóa chất có mùi giống như mùi vỏ cam, chanh. Tất nhiên, không phải hóa chất nào mà loài kiến xả ra cũng có mùi thơm như vậy. Loài Pheidole thường tiết ra hóa chất có mùi hôi thối khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm.

Wild nói rằng một trong những thành công lớn nhất của loài kiến là chúng tận dụng được sức mạnh tập thể để kiếm được nhiều thức ăn hơn. Loài kiến đã phát triển được nhiều hệ thống liên lạc phức tạp, nhờ đó chúng có thể thông tin cho nhau một cách nhanh chóng. Đó là lí do tại sao khi bạn đi dã ngoại và đem theo thức ăn thì chỉ phút chốc đã có hàng vạn con kiến xuất hiện.

Kiến chúa ngủ say, kiến thợ ngủ gật hàng trăm lần trong ngày

Ba chuyên gia Deby Cassill, Skye Brown và Devon Swick của Đại học South Florida và George Yanev của Đại học Texas (Mỹ) nghiên cứu hành vi ngủ của loài kiến lửa Solenopsis invicta.

Họ gây dựng một tổ kiến gồm ba kiến chúa, 30 kiến thợ và 30 ấu trùng trong phòng thí nghiệm rồi đặt tấm kính lên phía trên tổ. Một số máy quay được đặt ở phía trên tấm kính để ghi hình liên tục.

Kết quả ghi hình cho thấy, kiến thợ thường xuyên ngủ gật trong những khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, chúng không ngủ gật cùng lúc. Nếu tính trung bình thì mỗi con kiến thợ ngủ gật 250 lần mỗi ngày, mỗi lần chỉ diễn ra hơn một phút. Tổng thời gian ngủ của chúng là 4 giờ 48 phút mỗi ngày.

Những con kiến chúa ngủ lâu hơn so với “thần dân” của chúng. Trung bình kiến chúa ngủ 90 lần mỗi ngày, mỗi lần hơn 6 phút. Như vậy tổng thời gian ngủ của chúng vào khoảng hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Kiến chúa có hai kiểu ngủ. Thỉnh thoảng con chúa ngủ lơ mơ vì râu của chúng cứ dựng lên giữa chừng rồi hạ xuống.

Trong khi ngủ lơ mơ, kiến chúa rất dễ tỉnh giấc bởi tiếng động. Song những giấc ngủ như thế chỉ chiếm số ít, bởi chúng thường xuyên có những giấc ngủ sâu. Khi ấy râu của chúng thụt vào, còn miệng ngậm chặt.

Đối với loài kiến, tình trạng ngủ ngắn của con thợ chính là nhân tố giúp con chúa có cuộc sống yên bình và lâu dài. Nhiệm vụ của kiến thợ là cung cấp thức ăn và bảo vệ kiến chúa cùng đàn con mà con chúa sinh ra.

Vì gánh vác trách nhiệm nặng nề và làm việc vất vả nên kiến thợ chỉ sống được vài tháng (tối đa là 6 tháng), trong khi tuổi thọ của kiến chúa có thể lên tới 6 năm. Con chúa của một số loài kiến khác có thể sống tới 45 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại