Chuột khổng lồ hay giống chuột khổng lồ là thuật ngữ chỉ về những con chuột có kích thước rất lớn so với đồng loại và thuật ngữ này được áp dụng chỉ về nhiều loài gặm nhấm khác nhau. Chúng có xu hướng có nguồn gốc ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Một số đã phát triển mạnh ở các khí hậu khác, bao gồm cả loài chuột Coypu và chuột túi Gambia, những loài này đã trở thành loài xâm lấn, thậm chí có mặt trong những đô thị. Những con chuột khổng lồ cũng đã được miêu tả trong tiểu thuyết đại chúng, nơi chúng thường được miêu tả như những sinh vật giống quái vật.
Những con chuột có kích thước lớn thường được báo chí ở Anh gọi là "chuột khổng lồ" (Giant rat) hoặc "siêu chuột" thường là những cá thể chuột nhà (chuột cống, chuột nâu, chuột đen, chuột nhắt) do đột biến hoặc vì những lý do khác nhau như dinh dưỡng mà đã trở nên to lớn và xuất hiện ngày càng nhiều.
Thuật ngữ "khổng lồ" ở đây không có nghĩa là những con chuột đó to tới mức quá sức tưởng tượng, mà là chúng trở nên miễn dịch với những chất độc mà các chuyên gia diệt chuột sử dụng.
Việc xuất hiện giống loài chuột khổng lồ là quá trình tự nhiên, điều này thể hiện qua quá trình tiến hóa.
Khi khủng long còn sống, trên thế giới đã có các loài động vật có vú nhưng chúng rất nhỏ, đến khi khủng long biến mất, trái đất bắt đầu xuất hiện loài chuột to bằng con bò nay đã tuyệt chủng. Ác mộng khủng khiếp nhất có lẽ là cứ vài tháng lại nhìn thấy những bức ảnh đáng sợ về những con chuột ngoại cỡ được đăng đầy trên báo chí.
Nặng bằng một con lợn
Chuột lang nước Capybara là loài gặm nhấm lớn nhất thế giới. Theo như ghi nhận, đã từng xuất hiện cá thể chuột nặng tới 91 kg tại Brazil.
Bất cứ cuộc bàn luận nào về các con vật gặm nhấm có kích cỡ bất thường đều sẽ phải nhắc tới tên giống chuột lang nước khổng lồ Nam Mỹ (capybara), nhưng thực ra chúng có mối liên hệ gần gũi với loài chuột lang hơn là chuột thường (họ nhà chuột Muridae, còn được gọi là giống chuột Cựu Thế giới).
Chuột lang nước Capybara (Hydrochoerus hydrochaeris) phổ biến rộng rãi ở Nam Mỹ. Chúng thường sống quanh vùng ao hồ, bơi lội và lặn tốt khi tìm cách thoát khỏi những kẻ săn mồi trên cạn.
Tổ tiên của chuột lang nước có nguồn gốc ở châu Phi khoảng 80 triệu năm trước và đã đến Nam Mỹ 40 triệu năm sau đó. Thân chuột lang nước dài tới 1,35m, cao 60cm và trọng lượng có thể vượt quá 60kg.
Chuột tre Sumatra lớn (Rhizomys sumatrensis) có thể dài tới 50 cm, tính từ đầu mũi đến chót đuôi. Chiều dài này tương tự như chuột nâu, nhưng đuôi của chuột tre Sumatra lớn chỉ dài khoảng 12 cm. Vì thế giống chuột tre to lớn này có thể cân nặng cỡ 4 kg, gần bằng một con mèo
Chuột núi khổng lồ Sunda (Sundamys infraluteus): Loài chuột này có kích cỡ lớn, ăn tạp và sống ở vùng rừng núi. Chuột Sundamys infraluteus có thể dài đến 60 cm, nhưng hiếm khi nặng quá nửa cân, bởi vì hình dáng cơ thể nó hơi khác
Chuột túi Gambia: Một trong những con chuột dài nhất trong họ chuột Cựu thế giới là chuột túi Gambia, có thể dài tới 90 cm tính từ đầu mũi tới chót đuôi, cân nặng đến 1,4 kg đến 4 kg. Kích cỡ to lớn khiến nó trở thành một loại vật nuôi được yêu thích, nặng hơn gấp ba lần so với một con chuột lang thường vốn là chuột nâu đã được thuần hóa.
Thêm vào những truyền thuyết về loài chuột túi khổng lồ này, những con chuột túi Gambia thoát ra từ bộ sưu tập tư nhân khiến người dân ở đảo Florida Keys lo ngại. Loài chuột này bị công bố là loài xâm lăng và bị cho là có liên hệ với dịch đậu mùa ở Hoa Kỳ năm 2003.
Tuy nhiên, loài chuột túi này lại có rất nhiều người yêu thích ở quê nhà tại châu Phi. Chuột túi Gambia có khứu giác rất nhạy cảm, thường được huấn luyện để dò tìm bom mìn, nhiều người Mỹ cũng nuôi loại chuột này làm thú cưng.
Chuột mây khổng lồ Bắc Luzon (Phloeomys pallidus): Đây là những giống chuột có kích cỡ lớn hơn chuột túi Gambia, ta phải tới châu Á, đặc biệt là ở những hòn đảo có hệ sinh thái độc nhất vô nhị gây ra sự phát triển bất thường về kích cỡ.
Ở Philippines có loài chuột mây khổng lồ chuyên sống trên cây. Trong loài này, giống chuột mây khổng lồ Bắc Luzon là loài to nhất, có thể dài đến 75 cm, nặng đến 2,6 kg.
Chuột khổng lồ Mallomys ở New Guinea được gọi tên là chuột len Bosavi cũng có kích cỡ lớn tương tự. Giống chuột này được tìm thấy trên một núi nửa đã tắt vào năm 2009, chúng có thể dài đến 82 cm và nặng 1,5 kg.
Từ khi phát hiện ra giống chuột len khổng lồ này, loài to nhất có lẽ là Mallomys gunung, sống ở nơi cực kỳ cao trên những đỉnh núi phía tây New Guinea, có trọng lượng đến 2 kg hay thậm chí còn nặng hơn nữa.
Chuột khổng lồ đảo Đông Timor: Chuột to như chó Đức được ghi nhận với hai mẩu xương hóa thạch của chuột. Những con chuột khổng lồ được tìm thấy ở đảo Đông Timor, Indonesia, có kích cỡ to ngang một con chó. Nhưng đó không phải là những con thú gặm nhấm còn sống mà chỉ là các mẫu hóa thạch vì chúng đã tuyệt chủng.
Xác định được bảy giống chuột khổng lồ đã tuyệt chủng. Loại nhỏ nhất cân nặng khoảng 1,5 kg, lớn nhất khoảng 5 kg, bằng cỡ một chú chó Đức thu nhỏ.
Những cư dân xưa kia đã ăn thịt chuột, vì xương của chúng đã bị nướng cháy và bị gặm, loài chuột đã sống cạnh con người từ 40.000 năm trước, cho dù bị con người săn bắt. Sự tuyệt chủng của những giống chuột này với sự xuất hiện của thời kỳ đồ đồng, những cánh rừng, nơi sinh sống của chúng, đã bị con người khi đó phá hủy.
Chuột khổng lồ xuất hiện: do thức ăn hay biến đổi khí hậu, nhiễm phóng xạ?
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân xuất hiện những con chuột đột biến ở đô thị là vì biến đổi khí hậu, hoặc con người đã thải ra hóa chất nào đó xuống đất, khiến loài chuột bị đột biến, chỉ cần đủ thời gian và điều kiện thuận lợi, những con chuột cống sẽ to ít nhất bằng kích cỡ của chuột lang nước (Capybara) là loài chuột lớn nhất thế giới.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc những con chuột có kích thước khổng lồ như trên là do lượng thức ăn thừa xuất hiện trên phố ngày càng tăng, những con chuột này có kích thước lớn vì chúng được ăn quá nhiều chất đạm, chất béo từ nguồn thức ăn mà con người đổ ra thùng rác, chứ không phải nhiễm phóng xạ như lời đồn thổi.
Những con chuột khổng lồ được ăn theo chế độ giàu protein bao gồm từ phân chó đến các viên thuốc độc được dùng để diệt chuột, tuy nhiên nó không còn hiệu quả do loài chuột này trở nên kháng thuốc.
Nguyên nhân kháng thuốc là do chế độ ăn gồm các loại thực phẩm có trong thùng rác như ngô, có chứa vitamin K-một loại chất giải độc đối với nhiều thuốc diệt loài gây hại.
Ngoài ra, do điều kiện thời tiết ấm hơn làm cho chuột này ăn nhiều hơn và các yếu tố kết hợp đã gây ra tình trạng nguy hiểm đáng báo động, trong đó chuột đang phát triển cả về số lượng và kích cỡ. Chúng cũng như con người chúng ta, càng ăn nhiều thì càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, chuột là loài có khả năng thích nghi cực kỳ tốt. Con người đã đưa chuột đi khắp thế giới và ở đâu chúng cũng sống được, lại phát triển rất nhanh, loài người vô tình đã loại bỏ rất nhiều sinh vật bản địa tại những nơi con người xuất hiện.
Điều này khiến cho chuột được thỏa sức tung hoành mà không có đối thủ và có khả năng tiến hóa mạnh hơn trong tương lai nếu có đủ thời gian. Nếu lên danh sách các con vật ghê tởm nhất, chuột có lẽ luôn phá mọi kỷ lục đặc biệt là những con chuột khổng lồ.
Chuột thường được biết đến như vật trung gian truyền bệnh. Chúng di chuyển thành từng đàn trong những hóc hẻm tối tăm của thành phố.
Tại sao loài chuột lang nước không bị mắc ung thư?
Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện chuột lang nước cũng có một phương pháp ngăn ngừa ung thư đặc biệt. Các gene quyết định chức năng của hệ miễn dịch ở chuột lang nước cho phép phát hiện tốt hơn và phá hủy các tế bào phân chia quá nhanh.
Nhờ đó, các tế bào miễn dịch ở chuột lang nước có thể ức chế khối u mới hình thành. Theo các tác giả của nghiên cứu, điều này đã không được quan sát thấy ở các loài động vật khác.