"100% Ủy viên Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nói lên uy tín của Tổng Bí thư"

Hoàng Đan |

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh điều này khi nói về phương án bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước.

"Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành"

Chiều 3/10, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Chia sẻ góc nhìn của mình về sự kiện này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nói ông ủng hộ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Theo ông, phương án này sẽ mang lại nhiều tác dụng lớn, trước hết sẽ thống nhất sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

"Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được rất nhiều việc, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ nên việc ông được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ thêm chức vụ Chủ tịch nước là rất tốt. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành", ông Thưởng nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước được thực hiện trong thời điểm hiện nay là phù hợp với xu thế của thế giới, cũng như điều kiện tình hình cụ thể của Việt Nam.

Ở nhiều nước trên thế giới, cơ chế lãnh đạo các đảng cầm quyền kiêm lãnh đạo Nhà nước hay Chính phủ được thực hiện từ lâu. Ví dụ ở Trung Quốc, Tổng Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Hay ở Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sẽ kiêm Chủ tịch nước.

Tại Nhật Bản, Chủ tịch đảng thắng cử, nắm quyền lãnh đạo sẽ đương nhiên là Thủ tướng. Như Singapore, Tổng thư ký đảng cầm quyền đương nhiên là Thủ tướng... Ở nhiều nước Châu Âu, Mỹ La-tinh cũng có tổ chức, cơ chế tương tự - ông Phúc chỉ rõ.

100% Ủy viên Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nói lên uy tín của Tổng Bí thư - Ảnh 2.

(Ảnh ghép có sử dụng nguồn của báo Lao động)

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Với Việt Nam, sau cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cao nhất, Chủ tịch của Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cho đến khi qua đời vào năm 1969.

Từ 1986 đến nay, đã có một số lần các vị lãnh đạo nêu ý kiến thống nhất lại cơ chế Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, tuy nhiên việc này chưa thực hiện được vì cần chuẩn bị các điều kiện, chuẩn bị cán bộ...

"Đến nay, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã chín muồi, là phương án tốt nhất, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung. Điều quan trọng là cần tìm mô hình tổ chức như thế nào để cơ chế này phát huy, hoạt động hiệu quả nhất", PGS Phúc nói.

Ông nhấn mạnh, cơ chế Tổng Bí thư - Chủ tịch nước được thực hiện sẽ thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý Nhà nước tốt hơn khi giải quyết các vấn đề, cũng như giảm đầu mối lãnh đạo, người đứng đầu. Bên cạnh đó, cơ chế sẽ giúp nêu gương trong việc tinh gọn, sáp nhập bộ máy ở các địa phương, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Những việc làm của Tổng Bí thư được đánh giá rất cao

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, thời gian qua, khi chúng ta thí điểm thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND ở một số địa phương, đã có ý kiến lo ngại, sợ độc đoán, chuyên quyền hay lạm quyền...

Một số người cũng lo ngại, việc kiểm soát quyền lực có ảnh hưởng gì không nhưng tôi thấy rằng, những địa phương đã thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, việc vận hành rất tốt, không có dấu hiệu về lạm quyền, độc đoán.

Ở cấp cao nhất, nếu cơ chế Tổng Bí thư - Chủ tịch nước được thực hiện, tôi nghĩ không ngại vấn đề này bởi nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta là tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Quan điểm của Đảng vẫn đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Hội nghị lần thứ 8 cũng đang thảo luận về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nên nếu trách nhiệm này được thực thi đúng quy định điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước - sẽ không ngại việc giám sát, kiểm soát quyền lực - PGS Phúc nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc Với cơ chế Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, người được chọn phải có đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, am hiểu về hoạt động của Đảng, Nhà nước, phẩm chất đạo đức mẫu mực, được tín nhiệm cao trong Đảng, nhân dân, hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần có sự ứng xử linh hoạt, chủ động các mối quan hệ trong Đảng, Nhà nước, nhân dân và với các nước trên thế giới.

Ấn tượng với những công việc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm trong thời gian qua, PGS Phúc cho rằng, Tổng Bí thư là một lãnh đạo có đủ uy tín, trình độ, phẩm chất, năng lực, mẫu mực cao.

"Việc 100% Ủy viên Trung ương bỏ phiếu thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước đã nói lên tất cả sự uy tín, mẫu mực cao của ông.

Những việc làm của Tổng Bí thư trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tiêu cực, tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thậm chí bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá rất cao.

Nếu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, tôi tin sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của Đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế và chắc chắn tới đây, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành", PGS Phúc nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại