Tháng 9 năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất đang đi đến hồi kết thúc. Ở Manchester, một hàng dài binh sĩ và những nữ công nhân đổ ra hai bên đường để chào đón thủ tướng Lloyd George, nhà lãnh đạo chiến tranh của họ.
Giữa dòng người xếp dọc từ nhà ga xe lửa Piccadilly đến tận quảng trường Albert, không điều gì ngăn nổi niềm hạnh phúc của George, đặc biệt là khi quân Đồng Minh vẫn gửi tin thắng trận về liên tục.
Thế nhưng, ngay tối hôm đó trở về tòa thị chính, vị thủ tướng Anh thấy đau họng, ông sốt và nằm liệt. Suốt 10 ngày sau, George yếu đến mức không thể đi lại và phải đeo ống thở. Báo chí Anh khi đó giấu nhẹm bệnh tình của thủ tướng, lo ngại quân Đức có thể lợi dụng tin tức để tuyên truyền đảo chính.
Chỉ những người thân cận nhất với George biết rằng ông ốm rất nặng.
Vị thủ tướng Anh sau đó được cứu sống, nhưng nhiều người dân của ông thì không may mắn như vậy. Bên ngoài tòa thị chính Manchester, dịch cúm Tây Ban Nha giết chết 150 người trong thành phố chỉ sau 1 tuần bùng phát.
Trên khắp 95 thành phố của Anh và xứ Wales, mức độ tử vong tương tự cũng được ghi nhận. Tổng cộng 7,740 người thiệt mạng chỉ trong tuần đầu tháng 11. Có nhiều hơn những bông hoa, nhiều hơn những nấm mộ mọc lên bên cạnh những thanh niên Anh nằm xuống bởi họng súng Đức.
Vào thời điểm mà dịch cúm Tây Ban Nha tấn công thành phố Manchester, Ada Darwin khi đó mới 7 tuổi. Cô bé sống với bố mẹ và 5 người anh chị em ruột trong một ngôi nhà ở quận Greenheys.
"Hôm đó là chủ nhật, ngày 17 tháng 11, tôi được mẹ bế lên giường nằm", Ada kể. "Tôi nhớ đầu mình rất đau nên tôi bảo mẹ đừng để Norah nói luyên thuyên nữa, chị ấy làm tôi đau đầu".
Trên thực tế, đau đầu và sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên của cúm Tây Ban Nha. Ada đã nhiễm bệnh, theo sau đó là mẹ của cô, Jane Berry 34 tuổi, em gái cô Edith mới 2 tháng tuổi, kế đến là anh trai Frederick 9 tuổi, em trai Austin 2 tuổi, Noel 4 tuổi và chị cả Norah, 12 tuổi.
Cúm Tây Ban Nha tiến triển rất nhanh, gây tràn dịch màng phổi và khiến nạn nhân "chết đuối" bởi chính chất lỏng bên trong cơ thể mình. Cái chết của cúm Tây Ban Nha đặc trưng bởi những mảng tím tái trên cơ thể, một minh chứng cho việc phổi đã ngập nước và không còn hấp thụ đủ oxy nữa.
Ada may mắn không phải đối mặt với một cái chết như vậy, nhưng mẹ cô bé thì có. Vào ngày thứ ba, 19/11, cả nhà Ada đã nhiễm bệnh, bà ngoại và dì Annie phải đến đón cô bé và em trai Austin đi. Bác sĩ nói bệnh tình của 2 đứa bé nhẹ hơn cả nên cần được cách ly khỏi các thành viên khác.
"Tôi nhớ ánh mắt mẹ đang nhìn tôi, khi tôi thay quần áo để đi với dì Annie", Ada kể. "Bà ấy trông rất buồn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản vì tôi phải rời xa bà một thời gian, nhưng giờ nghĩ lại, tôi nhận ra bà buồn vì biết sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa".
Mẹ Ada tử vong ngay ngày hôm sau. Kế đó là cậu em Noel và cha cô Frederick Berry, một sĩ quan 38 tuổi của Quân đội Hoàng Gia nhiễm bệnh khi phục vụ ở viện quân y Salford. Tang lễ của họ được cử hành vào ngày 29/11 theo nghi thức quân đội. Ada nhớ như in khoảnh khắc mà đoàn xe tang đi qua trường tiểu học năm đó.
"Nó giống như một bộ phim chiếu trong đầu tôi", bà nói. "Những con ngựa đen đội trên đầu bờm lông đà điểu, theo sau là những người lính cầm súng và cỗ quan tài của ba tôi phủ quốc kỳ Anh.
Quan tài của mẹ tôi được đặt trong một chiếc xe tang có hộp kính lớn, quan tài của Noel được đặt dưới ghế tài xế. Ngoại tôi nói với chúng tôi rằng mẹ đã đến với Chúa Giê-xu, nhưng tôi nói Chúa Giê-xu đã có rất nhiều người ở bên rồi, con muốn mẹ con trở lại".
Ada và những người anh chị em còn lại của mình không phải là những đứa trẻ duy nhất phải mồ côi vì đại dịch năm đó.
Theo ước tính, cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới, chỉ trong 3 đợt bùng phát mạnh giữa năm 1918 và 1919. Nó giết chết 250.000 người ở Anh, 676.000 người ở Mỹ, 400.000 người ở Nhật Bản, 1,85 triệu người Ấn Độ, tương đương 6% dân số và 138.000 người Ai Cập, tương đương 10% dân số.
Ở những vùng đất tách biệt với thế giới, nơi quần thể người dân không tích lũy được khả năng miễn dịch với cúm, họ còn phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Tây Samoa, một đảo quốc ở Thái Bình Dương đã bị xóa sổ tới 1/4 dân số. Toàn bộ cộng đồng người Inuit và dân bản địa sống ở Alaska cũng bị giết chết.
Trên toàn thế giới, cúm Tây Ban Nha đã khiến 50-100 triệu người tử vong, gấp từ 5-10 lần số binh sĩ chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lượng người chết quá nhiều khiến xã hội đình trệ. Hệ thống y tế quá tải. Không còn chỗ tổ chức tang lễ, người ta phải đào những hố chôn tập thể.
Tại Mỹ, nhiều công ty phải đóng cửa do người lao động bị ốm. Các dịch vụ cơ bản như chuyển phát thư và thu gom rác cũng không hoạt động. Một số trang trại bỏ mùa màng chín rũ vì chẳng còn người thu hoạch.
Năm 1919 định mệnh, giữa thời điểm mà thuốc kháng sinh và vắc-xin còn chưa ra đời, nhiều người tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ diệt vong loài người, hoàn tất điều mà cuộc thế chiến vừa kết thúc chưa làm được.
Thế nhưng, cuối năm 1919, đại dịch cúm Tây Ban Nha chấm dứt. Nó chấm dứt một cách bất ngờ đến sửng sốt, không phải vì con người đã tìm ra được cách khống chế virus, mà bởi vì nó đã giết chết tất cả những người nhiễm bệnh, đồng thời phát triển khả năng miễn dịch trên những người may mắn sống sót.
Khi xác chết những nạn nhân phân hủy trong lòng đất, virus cúm Tây Ban Nha cũng tuyệt chủng. Nó chôn vùi theo mình rất nhiều bí ẩn mà ngay cả các nhà khoa học cũng không giải thích được.
Cúm Tây Ban Nha bắt đầu từ đâu? Không phải từ Tây Ban Nha như cái tên của nó, người ta gọi nó là cúm Tây Ban Nha bởi đây là một quốc gia trung lập trong thế chiến, nơi các báo cáo về dịch bệnh được công khai đầu tiên. (Ở các nước thuộc 2 phe tham chiến, thông tin về dịch bệnh bị giấu nhẹm do lo ngại bị đối phương lợi dụng).
Khác với những dịch cúm thông thường chỉ tấn công người già và trẻ em dưới 5 tuổi, tại sao cúm Tây Ban Nha giết chết cả những người trưởng thành khỏe mạnh, nhiều nhất trong độ tuổi từ 20-40?
Chúng ta có thể học được bài học gì từ đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử này, để rút kinh nghiệm hoặc chuẩn bị cho những dịch bệnh tương tự trong tương lai?
Jeffrey Taubenberger đeo găng tay 2 lớp, đội mặt nạ phòng độc và mặc một bộ đồ bọc kín người giống như các nhân viên y tế có mặt ở Tây Phi trong đại dịch Ebola. Ông là một nhà virus học, trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh học phân tử tại Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ.
Taubenberger bắt buộc phải làm như vậy, thậm chí còn phải quét mống mắt mới có quyền truy cập vào một cơ sở nghiên cứu tại Mỹ, nó được đặt dưới sự kiểm soát của FBI.
Lí do? Một trong những chiếc tủ đông ở đây đang chứa đựng mẫu bệnh phẩm vô cùng nguy hiểm, mà nếu vô tình để lọt ra ngoài, hoặc bằng cách nào đó những kẻ khủng bố lấy được nó, thảm họa có thể được kích hoạt trên quy mô toàn cầu.
Thứ khiến FBI phải canh phòng cẩn mật đến vậy, không gì khác, chính là những xác virus cúm Tây Ban Nha hiếm hoi nhất còn sót lại. Chúng được thu thập từ thi thể của những lính Mỹ đã chết vì đại dịch năm 1918-1919 và cả những xác chết của thổ dân người Inuit ở Alaska, được lưu trữ trong băng vĩnh cửu.
"Cứ như thể tôi đang mở ra một bí mật hàng đầu thế giới vậy", Taubenberger miêu tả. Ông đã làm điều này suốt 30 năm nay, nghiên cứu virus cúm Tây Ban Nha để giải mã bí ẩn của đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử.
Công việc bắt đầu từ năm 1990, Taubenberger và các đồng nghiệp đã tỉ mẩn thu thập những mảnh RNA vỡ tan tành trong xác những con virus cúm Tây Ban Nha. Đến năm 1995, họ đã sắp xếp được chúng thành 8 gen đầu tiên.
Dự án kéo dài tới 1 thập kỷ sau đó, Taubenberger mới hoàn thành 3 gen cuối cùng của khoảng 13.000 cặp bazơ trong bộ gen virus vào năm 2005. Công trình được cả 2 tạp chí khoa học hàng đầu là Science và Lancet bình chọn là đột phá của năm bởi sắp xếp được trình tự gen, nghĩa là virus cúm Tây Ban Nha đã sẵn sàng để hồi sinh, những bí ẩn sẽ được giải đáp.
Taubenberger chuyển bộ gen mà ông sắp xếp được đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Ở đây, chúng được nhà virus học Terrence Tumpey đưa vào tế bào để tái tạo virus cúm Tây Ban Nha, làm sống lại một sát thủ giết người hàng đầu trong lịch sử.
Họ thử nghiệm virus này với động vật, đầu tiên là những con chuột. Ngay trong thử nghiệm đầu tiên, virus cúm Tây Ban Nha hồi sinh đã giết chết chuột chỉ trong vòng 3-5 ngày, với những triệu chứng đúng như những gì nó từng làm với con người năm 1918.
Tumpey, Taubenberger và các tác giả nghiên cứu báo cáo rằng virus cũng giết chết phôi gà. Cuối cùng, họ cũng giả mã được bí ẩn: Cúm Tây Ban Nha thực chất là một nhóm nhỏ (subtype) của virus H1N1, lây nhiễm trên gia cầm.
Điểm nguy hiểm là virus cúm Tây Ban Nha không cần lai hóa với virus cúm ở người để lây nhiễm sang chúng ta, mà nó có thể nhảy thẳng từ gia cầm sang người và khiến họ mắc bệnh.
Thử nghiệm trên chuột cho thấy virus H1N1 gây ra cúm Tây Ban Nha cực kỳ độc hại, nó có thể nhân bản ra một lượng virus gấp 39.000 lần các chủng cúm ngày nay. Một khi lây nhiễm thành công, virus sẽ sinh sống trong nhiều loại tế bào bao gồm tế bào phổi và phế quản, dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp và gây bệnh.
Trong nghiên cứu năm 2007, các nhà khoa học đã lây nhiễm những con khỉ với virus cúm Tây Ban Nha, từ đó tái tạo thành công các triệu chứng điển hình được ghi nhận từ đại dịch năm 1918.
Những con khỉ đã chết vì một cơn bão cytokine (hệ miễn dịch phản ứng quá dữ dội, sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu và cytokine gây viêm để chống lại virus – những tế bào bạch cầu tấn công cả các tế bào khỏe mạnh và giết chết người bệnh).
Điều này giải thích tại sao những người trẻ mắc cúm Tây Ban Nha, những người có hệ miễn dịch hoạt động mạnh nhất, lại dễ tử vong vì căn bệnh này.
Nó bổ sung cho một giả thuyết nữa giải thích rằng, những người lớn tuổi đã từng tiếp xúc với một chủng cúm H1N1 trước đó, nên đã phần nào đào tạo hệ miễn dịch của họ chống lại cúm Tây Ban Nha.
Ngược lại, những người trẻ tuổi hơn sống trong năm 1918 có một điểm mù miễn dịch. Chỉ những người 28 tuổi trở nên mới có 1 lần phơi nhiễm duy nhất với virus "cúm Nga" năm 1890, một chủng H3 với cấu trúc gen hoàn toàn khác.
Thế còn virus cúm Tây Ban Nha bắt nguồn từ đâu? Đến tận bây giờ nó vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Chúng ta biết rằng có một lượng khổng lồ virus sống ký sinh trên động vật như dơi, chim hoang dã, khỉ... Chúng được gọi là " zonoses ".
Tỷ lệ lây nhiễm chéo của các zonoses sang người là rất thấp, nhưng một khi nó xảy ra, thảm họa sẽ được kích hoạt. Chúng ta có đại dịch Ebola, khi virus nhảy từ dơi sang người. Zika bùng phát khi virus lây được từ khỉ. Ngay cả đại dịch HIV/AIDS cũng bắt đầu từ một lần lây nhiễm chéo như vậy.
Virus cúm Tây Ban Nha cũng không ngoại lệ, nó là một chủng cúm gia cầm. Theo giả thuyết được nhà virus học người Anh John Oxford đưa ra, một con chim hoang dã mang trên mình virus cúm đã di cư tới gần cửa sông Somme ở Etaples thuộc Boulogne nước Pháp.
Ở đây, virus hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để lây sang người và khiến đại dịch bùng phát: một môi trường cho chim nước hoang dã, một quần thể gà và lợn, một doanh trại nơi 100.000 binh sĩ Anh đang đóng quân dưới điều kiện hầm hào bẩn thỉu và ngột ngạt.
Kết quả là vào mùa đông năm 1917, hàng trăm lính Anh đã mắc bệnh với các triệu chứng giống cúm. Đội y tế ở Etaples ghi nhận 156 ca tử vong. Ở thời điểm đó, căn bệnh được gọi là "viêm phế quản có mủ".
Nhưng khi đối chiếu lại các triệu chứng, các nhà khoa học nhận thấy những người lính này cũng bị tím tái, đặc biệt trên môi, tai và má vì thiết oxy – những đặc trưng của cúm Tây Ban Nha.
Chúng ta không khắc, nhưng nhiều khả năng đó là cách mà dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử đã bắt đầu.
Một thế kỷ sau đại dịch lớn nhất, chúng ta có thể tạm yên tâm khi virus cúm Tây Ban Nha chắc chắn đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Ngay cả những xác chết được bảo quản trong băng vĩnh cửu từ năm 1918 cũng không thể chứa virus sống sót, Taubenberger xác nhận.
Nhưng một số gen của chủng H1N1 gây cúm Tây Ban Nha vẫn tiếp tục được lan truyền trong các hậu duệ của nó, bao gồm virus H3N2 gây dịch cúm Hồng Kông năm 1968, H1N1 gây ra đại dịch cúm lợn năm 2009.
Giống với cúm Tây Ban Nha, virus cúm H5N1 cũng có các gen cho phép nó nhảy thẳng từ gia cầm sang người và gây bệnh.
"Đại dịch 1918 đã thiết lập một cơ chế lây nhiễm sang người rất thành công cho virus cúm gia cầm, và nó chưa bao giờ biến mất trong suốt 100 năm qua. Cúm Tây Ban Nha thực sự là mẹ của tất cả các đại dịch", Taubenberger nói.
Thống kê cho thấy, trung bình cứ khoảng 30 năm, con người sẽ phải đối mặt với một đại dịch cúm. Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 là sự hoành hành của cúm Châu Á (1957-1958), cúm Hồng Kông (1968-1969) và cúm lợn (2009). Đó là 3 đại dịch, xếp trên các dịch cúm khác nhỏ hơn như cúm gia cầm H5N1 ở Châu Á năm 2006-2007.
Mặc dù đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ các đại dịch cúm bùng phát, các nhà khoa học vẫn cho rằng con người chưa bao giờ sẵn sàng để đối mặt với một virus cúm có khả năng hủy diệt trên phạm vi toàn cầu như dịch bệnh năm 1918.
Nếu một virus cúm tương tự bùng phát một lần nữa, các mô phỏng kịch bản trên máy tính cho thấy nó vẫn sẽ gây ra sự tàn phá khủng khiếp, hơn 300.000 người Mỹ vẫn tử vong, con số trên toàn thế giới có thể lên tới 150 triệu.
Điểm yếu của con người năm 1918, đó là chúng ta phải đối mặt với chiến tranh. Virus cúm tỏ ra nguy hiểm trong điều kiện chiến trường, hầm hào bẩn thỉu và ẩm mốc. Kinh tế suy thoái để lại một tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng cao, dễ dàng bị ảnh hưởng.
Và khi các bác sĩ được rút hết ra tiền tuyến để chăm sóc những người lính, các bệnh viện và hệ thống y tế ở hậu phương không đủ công suất để ngăn chặn đại dịch.
Một trăm năm sau đó, chúng ta đã được sống trong một thế giới cơ bản hòa bình, kinh tế phát triển và hệ thống y tế được nâng cấp. Nhưng các thách thức khác được đặt ra bao gồm: sự thay đổi nhân khẩu học, tập trung dân cư đô thị hóa, sự phát triển của hàng không dân dụng, kháng kháng sinh và biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Carolien Van de Sandt tại Viện nghiên cứu Miễn dịch Peter Doherty thuộc Đại học Melbourne cho biết: "Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới bao gồm dân số già hóa, những người sống chung với bệnh béo phì và tiểu đường".
Van de Sandt và nhóm của cô đã kiểm tra các dữ liệu về đại dịch cúm Tây Ban Nha, cúm Châu Á, dịch cúm Hồng Kông năm 1968 và dịch cúm lợn năm 2009. Họ dự đoán rằng đại dịch cúm tiếp theo rất có thể là một chủng cúm gia cầm lây nhiễm sang người.
Tốc độ lây lan sẽ rất nhanh chóng và xảy ra trên quy mô toàn thế giới thông qua du lịch hàng không. Có nhiều điều kiện cho phép đại dịch này vượt mặt cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology, cho biết dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát và lan rộng trong thế giới phát triển, khi một tỷ lệ cao dân số đang phải đối mặt với béo phì và bệnh tiểu đường.
"Những gì chúng ta biết từ đại dịch năm 2009 là những người mắc một số bệnh (như béo phì và tiểu đường) dễ phải nhập viện và tử vong hơn vì cúm", Kirsty Short, đến từ Đại học Queensland cho biết.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng thế giới tiếp tục phải đối mặt với một "gánh nặng nhân đôi" khi tình trạng suy dinh dưỡng vẫn phổ biến ở các nước nghèo.
Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể có tác động theo một cách khác. Van de Sandt nói rằng nhiều chủng cúm xuất phát từ chim, vì vậy, khi hành tinh bị sưởi ấm, mô hình lây nhiễm sẽ thay đổi, khiến chúng ta bị bất ngờ.
"Biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình di cư của các loài chim, mang virus tiềm ẩn đến các địa điểm mới và có khả năng biến nhiều loài chim thành vật chủ", cô nói.
Kháng kháng sinh cũng là một vấn đề. Hầu hết nạn nhân bị giết chết trong đại dịch cúm năm 1918 đều vì nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, một thứ mà thuốc kháng sinh đã giúp giảm bớt trong những trận đại dịch tiếp theo.
Nhưng kháng sinh ngày càng bị vi khuẩn kháng lại mạnh mẽ. Katherine Kedzierska, từ Viện Doherty Đại học Melbourne cho biết: "Điều này làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn thứ phát trong dịch bệnh tiếp theo khi nó bùng phát".
Thế còn vắc-xin thì sao? Đó là một cuộc chạy đua với thời gian.
Về bản chất, chúng ta không thể dự đoán chủng virus nào sẽ gây ra đại dịch tiếp theo – nếu làm được điều này các nhà khoa học đã có thể phát triển sẵn một loại vắc-xin phòng ngừa đặc hiệu cho chủng cúm đó và kê cao gối ngủ.
Thế nhưng, chỉ riêng chủng cúm A đã có khoảng 144 nhóm (subtype) liên tục biến đổi theo từng năm, đó là còn chưa kể đến cúm B, C và D. Các nhà khoa học không thể tạo ra được một loại vắc-xin duy nhất, đặc hiệu vĩnh viễn cho tất cả các chủng cúm này.
Điều mà họ có thể làm chỉ là theo dõi các đột biến mỗi năm và tạo ra một vắc-xin tốt nhất, có hiệu quả tương đối cho mùa cúm năm sau mà thôi. Vắc-xin này chưa chắc đã chống lại tất cả các chủng cúm và có thể mất hoàn toàn hiệu quả vào mùa cúm năm sau nữa.
Vậy nên, nhiều khả năng, kịch bản sẽ diễn ra như thế này:
Con người cố gắng tạo ra vắc-xin để phòng ngừa những chủng cúm có nguy cơ nhất. Nhưng sẽ có một chủng cúm nằm ngoài hiệu quả của vắc-xin và phát triển thành dịch. Các siêu đô thị, biến đổi khí hậu và sự phổ biến của hàng không dân dụng sẽ thúc đẩy virus lây lan.
Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh, đói nghèo ở các nước kém phát triển và béo phì, tiểu đường ở các nước phát triển sẽ đẩy số người tử vong lên cao.
Với các kỹ thuật mới nhất hiện nay, các công ty dược phẩm sẽ phải mất từ 3-6 tháng để sản xuất vắc-xin chống lại chủng cúm mới. Trong khoảng thời đó, nhân loại đơn thuần là không có bất kể một sự bảo vệ nào ngoài việc đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên.
Khi được hỏi bà nghĩ sao về một đại dịch cúm mới, Ada nói: "Ở tuổi của tôi thì chẳng phải lo lắng gì nữa.
Nhưng [đại dịch cúm mới] sẽ là mối lo ngại lớn với thế hệ các cháu của tôi". Thế giới đã khác xa so với 100 năm trước, "bây giờ người ta thường hôn nhau rất tự nhiên, những nụ hôn có thể lây lan virus. Tôi thậm chí thấy những người đàn ông ôm nhau thắm thiết. Chẳng ai làm điều đó ở năm 1918 cả".