Những hiểu biết sai lầm về "Chiến thuật biển người" của Trung Quốc
Không thể phủ nhận Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) luôn luôn duy trì một quân số khổng lồ, nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng chiến thuật trong chiến đấu duy nhất của họ là "chiến thuật biển người" trong phim ảnh phương Tây thì chúng ta đã lầm.
Một chiến thuật được phát triển từ thời nội chiến Trung Quốc (1927-1950) cho tới Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và sụp đổ trong một số cuộc chiến sau đó cho thấy sự thật hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ.
Chí nguyện quân Trung Quốc tiến công trong Chiến tranh Triều Tiên.
Thay vì những làn sóng người xung phong thẳng vào làn đạn cho tới khi hỏa lực đối phương không thể duy trì và tan vỡ, thực chất cái gọi là "chiến thuật biển người" của Trung Quốc là chiến thuật "tiến công tầm gần" gắn liền với tên tuổi của Nguyên soái Bành Đức Hoài:
1. Chú trọng đánh đêm và công tác ngụy trang: Chí nguyện quân Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã sử dụng chiến thuật bí mật tiếp cận đối phương (Quân Liên Hiệp Quốc) để làm giảm thiểu ưu thế hỏa lực của đối phương.
2. Tập trung tấn công vào yếu điểm của đối phương, sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan quân phòng ngự tại những những điểm mấu chốt.
3. Tập trung vào tốc độ, các đơn vị xung kích phải hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công tất cả các tuyến nối đến căn cứ đối phương bằng nhiều đợt công kích liên tục.
Binh lính Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới Việt Trung (1979).
Tác giả Bevin Alexander giải thích trong cuốn "How Wars Are Won" (Cách thế nào để thắng các cuộc chiến tranh) đã nhận xét về chiến thuật này như sau:
Phương thức tiếp cận trận địa và đè bẹp các đơn vị nhỏ của đối phương bằng một trung đội từ 50 người đến một đại đội 200 người, bằng cách phân tán thành nhiều đội chiến đấu.
Trong lúc một đội cắt đường rút lui, các đội khác đánh thẳng cả mặt trước và hai bên sườn trong các cuộc tiến công liên tục và phối hợp nhịp nhàng. Các cuộc tiến công tiếp tục từ các phía cho đến khi lực lượng phòng thủ bị tiêu diệt hoặc bắt buộc phải rút lui vì hết đạn.
Tuy nhiên chiến thuật này đã thất bại thảm hại một số chiến trường khi các đơn vị Trung Quốc không thể tìm ra điểm yếu cũng như chia cắt được lực lượng phòng thủ đối phương do địa hình đồi núi đặc trưng.
Một phim tài liệu của phía Mỹ về Trận đánh Thượng Cam Lĩnh với Chí Nguyện Quân Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (Nguồn AP).
Trung Quốc cải tổ quân đội ra sao, và "chiến thuật biển người" liệu còn có được sử dụng?
Những tổn thất nhân mạng khổng lồ tính trên toàn mặt trận và đem lại ít hiệu quả trong một số cuộc chiến là bài học cảnh tỉnh cho PLA.
Quân Trung Quốc đã không sử dụng được số quân đông áp đảo một cách hiệu quả bằng các chiến thuật thích hợp và do đó không thể đạt được tốc độ hành binh như mong muốn.
Xe bọc thép Type 92 của Trung Quốc.
Ngoài yếu tố địa hình, đây cũng là hậu quả của sự lạc hậu về chiến thuật tác chiến của PLA vốn gần như không được cải thiện kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Thất bại về mặt chiến thuật đã buộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội nước này.
Hiện tại PLA đang tập trung vào việc tạo ra các "lực lượng cơ giới hỗn hợp" theo đó, bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân và các đơn vị kỹ thuật hỗ trợ lẫn nhau và là "chìa khóa để đạt được chiến thắng trên chiến trường".
PLA dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các cấu trúc đơn vị cũ trong doanh trại, nhưng sẽ đảm bảo rằng các đơn vị đó khi có yêu cầu có thể nhanh chóng chuyển đổi để thành lập các "nhóm chiến đấu".
Xe chiến đấu PL-2 của Trung Quốc.
Gần đây, PLA đã thử nghiệm với khái niệm các đơn vị "nhóm chiến đấu" nói trên bằng cách thành lập các đơn vị Lữ đoàn Kỵ binh đột kích với trang bị và quân số như sau:
• Một tiểu đoàn bộ binh cơ giới gồm 40 xe bọc thép Type 92.
• Hai đại đội gồm 18 bọc thép PL-2.
• Một đại đội gồm 12 chiếc xe bọc thép đổ bộ ZBD05.
• Một tiểu đoàn gồm 16 máy bay trực thăng tấn công Z-9W.
• Một tiểu đoàn gồm 16 máy bay trực thăng vận tải Mi-17.
Trực thăng tấn công Z-9W của Trung Quốc.
10 loại vũ khí khắc chế mọi loại chiến thuật cũ và mới của Trung Quốc
Tuy nhiên, bất kỳ sự cải tiến nào trong chiến thuật tấn công cũng đi kèm với sự thay đổi trong tư duy tác chiến phòng ngự của đối phương. Dưới đây là 10 loại vũ khí có thể khắc chế chiến thuật mới của PLA trong tương lai.
1. Súng không giật SPG-9 Kopye là một loại pháo nòng trơn không giật chống tăng cỡ nòng 73 mm do Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1962 nhằm thay thế cho loại súng không giật 82mm B-10.
Súng không giật SPG-9 sử dụng hai loại đạn gồm: đạn nổ phá tiêu chuẩn OG-96 khối lượng là 5,5 kg, đạn chống tăng hiệu ứng nổ lõm PG-9B khối lượng 4,4 kg.
Cả hai loại đạn đều có thể khuất phục các xe bọc thép Type 92, ZBD05 và PL-2 của Trung Quốc (vỏ giáp của cả hai chỉ chống được đạn 12.7mm).
2. Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) 9K38 Igla (SA-18) điều khiển bằng hồng ngoại. Các loại tên lửa này dễ dàng khuất phục các trực thăng Z-9W hay Mi-17
3. Súng bắn tỉa OSV-96 12.7x108 mm có tầm bắn hiệu quả 900m và có thể tiêu diệt đa phần sinh lực địch và các xe cơ giới mỏng như PL-2 tiếp cận vị trí phòng thủ ngay cả trong điều kiện ban đêm.
4. Súng máy cộng đồng PKMS 7,62x54 mm nạp đạn từ dây băng chứa trong hộp tiếp đạn có cơ số 100, 200 hay 250 viên. Hỏa lực này hoàn toàn có thể quét sạch bộ binh cơ giới Trung Quốc ở tầm xa từ 500 tới 1500m ngay cả trong điều kiện chiến đấu ban đêm với kính hồng ngoại.
5. Súng phóng lựu liên thanh Mikor MGL, súng phóng lựu M-79 và súng phóng lựu kẹp nòng M-203.
Cả ba loại súng phóng lựu nói trên đều sử dụng lựu đạn 40x46mm và có tầm tác chiến hiệu quả trong khoảng 400m khi bộ binh đối phương vượt qua các loại hỏa lực tầm xa và nấp sau các vị trí ẩn nấp.
6. Súng trường tấn công AKM và các biến thể hiện tại vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Những khẩu AKM với đôi chút cải tiến có thể thêm súng phóng lựu kẹp nòng M-203.
7. Súng trường tấn công Galil ACE 31/32 là một biến thể hiện đại hóa của AKM có thể gắn thêm các phụ kiện để tác chiến đêm và phù hợp với các nhóm hỗ trợ phòng thủ.
8. Súng chống tăng vác vai RPG-7V có tầm tác chiến 250m, súng có thể bắn hạ các loại thiết giáp mỏng như PL-2 bằng đạn nổ lõm PG-7V. Ngoài ra đạn OG-7 nổ phá văng mảnh có thể tăng khả năng sát thương bộ binh địch tiếp cận công sự.
9. Mìn định hướng ( Mìn Claymore, ĐH-5/10/20, MON-50/100/200) có hiệu quả phòng thủ trong khoảng 100m. Hiện tại các loại mìn định hướng vẫn là vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất trong tác chiến phòng ngự.
10. 9 loại vũ khí kể trên về kỹ thuật có thể khắc chế hai loại chiến thuật "Tiến công tầm gần" và "Lữ đoàn kỵ binh đột kích" của Trung Quốc. Các quân đội hiện đại đều cần trang bị đầy đủ chúng để có lợi thế nhất định trong tấn công và phỏng thủ.
Tuy nhiên "vũ khí" quan trọng nhất vẫn là con người, nếu không có những con người có lòng yêu nước, kỷ luật, có tư duy chiến thuật và kỹ năng chỉ huy tốt thì vũ khí trang bị dù hiệu quả tới đâu cũng không thể đem lại chiến thắng.
Con người chính là vũ khí thứ 10 và cũng là vũ khí quan trọng nhất có thể khắc chế hoàn toàn bất kỳ kỹ chiến thuật nào của Trung Quốc trong quá khứ và tương lai.
Quân đoàn 79 PLA tổ chức tập trận vào tháng 2/2019 (Nguồn CCTV).