Sau 10 tháng xảy ra thảm hoạ y khoa tại Đơn nguyên Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị nhiễm độc từ nguồn nước RO và tử vong. 10 tháng qua là khoảng thời gian gây ám ảnh với các nhân viên của khoa.
Đến nay Đơn nguyên Thận nhân tạo đã được cải tạo, phục hồi giúp 86 bệnh nhân bị suy thận mạn có thể lọc máu chu kỳ thay vì phải chuyển xuống Hà Nội và các bệnh viện khác.
10 tháng "ám ảnh"
Thạc sĩ Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - người gắn bó với Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã có phút trải lòng với phóng viên về thời gian gần 10 tháng, từ đổ vỡ đến nỗ lực đưa đơn nguyên thận quay trở lại với bệnh nhân.
PV: 10 tháng sau "thảm hoạ" y khoa tại Đơn nguyên thận nhân tạo, là người gắn bó với đơn nguyên này nhiều năm cảm xúc của anh như thế nào trong thời gian qua?
Thạc sĩ Hoàng Công Tình: Như bạn đã biết, tai biến y khoa xảy ra vào ngày 29/5 là sự cố không ai mong muốn và vượt quá tầm kiểm soát của bác sĩ, 8 bệnh nhân qua đời họ đều như người thân của chúng tôi vậy.
Tai biến đó không phải là chuyên môn của bác sĩ kém mà do hoá chất trong thiết bị y tế. Dù biết điều đó nhưng chúng tôi vẫn ám ảnh. Chúng tôi rất sợ như chim ngã sợ cành cong.
Các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình
May mắn, chúng tôi được sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Các bác sĩ được sự ủng hộ từ dư luận, từ chính người nhà bệnh nhân bởi họ biết chúng tôi không phải là người gây ra sự cố nên chúng tôi đã cố gắng vượt qua.
Có những lúc, trong tâm thức, giấc mơ tôi vẫn nhớ lại cái ngày định mệnh đó. Có lẽ nó sẽ theo tôi suốt đời làm nghề bác sĩ này. Không chỉ riêng tôi mà ngay cả các bác sĩ, điều dưỡng khác cũng như thế.
Khi sự cố xảy ra, chúng tôi không biết giải quyết thế nào, tôi xin phép kết nối với Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Bệnh viện gửi giấy mời Bệnh viện Bạch Mai và chỉ trong vài tiếng các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai đã lên hỗ trợ chúng tôi.
18 bệnh nhân chạy thận có 8 người tử vong nhưng tôi còn xúc động hơn đó là sự chia sẻ của người nhà bệnh nhân, cũng như thân nhân bệnh nhân tử vong. Họ không làm khó gì bệnh viện, bác sĩ, không gây rối trật tự mà còn đứng ra kêu gọi bảo vệ BS Lương khi cậu ấy bị tạm giam, điều đó thật trân quý.
PV: Bắt đầu từ ngày 22/3, những bệnh nhân suy thận mạn của tỉnh Hoà Bình có thể quay trở về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình để tiến hành lọc máu theo chu kỳ. Xin anh cho biết để có được Đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động trở lại, Bệnh viện đã phải thay đổi như nào?
Thạc sĩ Hoàng Công Tình: Trong 10 tháng qua, chúng tôi đã cố gắng cùng các chuyên gia đầu ngành về chạy thận để xây dựng lại đơn nguyên thận nhân tạo. Xây dựng trên đống "đổ nát" khác hoàn toàn với xây dựng ban đầu.
Bộ Y tế tặng bệnh viện 10 máy chạy thận nhân tạo cộng với 2 máy của bệnh viện có thể dùng được và chúng tôi đang có 12 máy chạy thận nhân tạo.
Trước khi vận hành hệ thống chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Hội đồng khoa học bệnh viện và các chuyên gia thận nhân tạo đã họp để rà soát toàn bộ quy trình, kiểm tra các thông số an toàn tuyệt đối, đảm bảo đủ điều kiện để vận hành…
Người bệnh hoàn toàn yên tâm khi quay trở lại chạy thận tại BV
Với 12 máy này còn thiếu với lượng bệnh nhân có nhu cầu chạy thận tại bệnh viện vì thế chúng tôi mong muốn có thể có thêm máy để phục vụ bệnh nhân.
Mỗi ngày, bệnh viện chạy 3 ca và ca thứ 4 dành cho bệnh nhân cấp cứu. Ngoài ra còn khoảng 80 bệnh nhân suy thận mãn vẫn phải đang chạy ở bệnh viện Đa khoa Thành phố Hoà Bình và ở Hà Nội. Nhiều bệnh nhân ngỏ ý mong muốn được về Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình chạy thận nhưng không đủ máy.
Ngày trở lại
PV: Trước khi đưa vào vận hành Đơn nguyên Thận nhân tạo, có sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành, anh có lo lắng gì nhiều không?
Thạc sĩ Hoàng Công Tình: Lo lắm chứ bạn, cả ban giám đốc bệnh viện và các nhân viên của khoa đều rất lo bởi vì không biết có bất trắc gì không.
Ca đầu tiên chạy, tôi mất ăn mất ngủ không dám sơ xuất gì và như tôi đã nói cảm xúc vô cùng khó tả, khác hoàn toàn với lần đầu của vài năm về trước khi chúng tôi triển khai chuyên môn này.
Thật may mắn, 10 ngày qua mọi thứ đều rất tốt. Bệnh nhân ca chạy đầu tiên là tôi lo nhất nhưng không có tai biến nào, ai cũng vui.
Khi biết đơn nguyên đi vào hoạt động trở lại nhiều bệnh nhân đăng ký chạy ca đầu tiên và trong đó có cả những bệnh nhân cũ trong số 10 người năm ngoái bị sự cố. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì bệnh nhân vẫn tin tưởng vào mình mà họ không quay lưng với bác sĩ.
Ngày trở lại Đơn nguyên Thận nhân tạo, các bệnh nhân ai cũng vui có cả bệnh nhân cũ và bệnh nhân mới nhưng họ đều đặt niềm tin cho bác sĩ.
Bác sĩ Hoàng Công Tình
PV: Hiện nay Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình còn khó khăn gì không?
Thạc sĩ Hoàng Công Tình: Chúng tôi vẫn được sự giúp đỡ của Bệnh viện Bạch Mai và Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) để kiểm định và có một quy trình nước RO thật tốt để không còn những câu chuyện cũ xảy ra.
Ngoài khó khăn về trang thiết bị, thiếu máy chạy thận vấn đề nhân lực của Khoa cũng hạn chế. Trong tháng 5 tới, chúng tôi có 1 ê kíp xuống Bệnh viện Bạch Mai để học về chuyên ngành này để phục vụ bệnh nhân và hướng tới mở rộng Đơn nguyên thành một Khoa độc lập.
Hơn nữa, từ sau khi xảy ra sự cố, PGĐ bệnh viện kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện cũng lo giải quyết nhiều việc không thể kiêm nhiệm thêm nên Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có quyết định bổ nhiệm tôi từ Phó trưởng khoa lên trưởng khoa. Điều dưỡng trưởng của khoa cũng được bổ nhiệm mới.
Cả hai nhân tố đều mới nên chúng tôi cũng còn nhiều bỡ ngỡ và phải đi từng bước chắn chắn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi hi vọng thời gian tới mọi việc sẽ tốt hơn.
Vâng xin cảm ơn anh!
Xem thêm:
Vụ 8 người tử vong vì chạy thận: Vì sao không truy cứu giám đốc?