10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với 'chuyện ngày xưa', hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi

Hoàng Ánh |

Những thói xưa nay vẫn hay được áp dụng để chăm sóc con cái tưởng chừng vô hại mà để lại hậu quả khôn lường.

Chăm sóc con cái luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu. Có những thói quen sai lầm mà bao lâu nay cha mẹ thường làm nhằm mục đích bảo vệ con lại mang những hậu quả hết sức tai hại.

Hãy xem những thói quen xấu đó là gì và tại sao chúng đem lại những mặt tiêu cực như vậy.

1. Cù cho con cười

Trong cuộc sống, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lớn chơi đùa với trẻ, làm cho trẻ cười bằng cách chọc vào những điểm gây "buồn" trên cơ thể chúng.

Chúng ta những tưởng đây chỉ đơn giản là một hành động vui đùa vô hại nhưng thực chất nó lại mang đến tác động tiêu cực đến trẻ.

10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với chuyện ngày xưa, hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi - Ảnh 1.

Đùa trẻ bằng cách cù lét mang lại hậu quả khôn lường.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học California cho thấy, cù lét không gây ra cảm giác hạnh phúc giống như một trò đùa vui nhộn. Nó chỉ là một ảo ảnh của tiếng cười.

Trong trường hợp này, trẻ cười không kiểm soát được do kết quả của phản xạ. Hầu như tất cả mọi người cười khi họ bị nhột và trẻ em cũng vậy, chúng cười ngay cả khi chúng ghét bị cù lét.

Hơn nữa, do tuổi còn nhỏ, cơ chế phản xạ của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, nên nếu kích thích trẻ cười không tự nhiên sẽ khiến chúng dễ bị mất kiểm soát, thậm chí gây hại tới các cơ quan tiêu hóa.

2. Đặt đồ chơi trên giường của trẻ

Không phải tất cả các bậc cha mẹ đều nhận ra rằng để có một giấc ngủ ngon, trẻ sơ sinh chỉ cần một tấm nệm tốt, một tấm trải giường và một chiếc chăn nhỏ trong trường hợp trời lạnh.

Đôi khi, một chiếc gối nhỏ và phẳng có thể được sử dụng để giúp trẻ có một giấc ngủ êm ái. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, trước một độ tuổi nhất định, trẻ em không cần gối.

Ngoài những thứ kể trên, trẻ em không cần bất kỳ đồ chơi nào đặt cạnh nơi chúng ngủ bởi vì những thứ đó có thể gây hại bất cứ lúc nào.

Việc đặt đồ chơi cạnh trẻ khi ngủ có thể đánh thức, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của con hoặc thậm chí gây khó thở nếu em bé vô tình úp mặt vào đồ chơi.

Vì vậy, nếu cha mẹ có thói quen để một chú gấu nhỏ, hay một con búp bê cạnh trẻ với mong muốn giúp con mình dễ ngủ thì hãy suy nghĩ lại.

3. Sử dụng đèn ngủ cho con

Những lý do để sử dụng đèn ngủ có thể khác nhau. Hầu hết, cha mẹ bật đèn ngủ để tiện chăm sóc trẻ khi đêm đến (ví dụ như việc thay tã cho trẻ). Cũng có một số ông bố bà mẹ sợ bóng tối, vì vậy họ để đèn sáng để ngăn em bé phát triển những nỗi ám ảnh này.

10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với chuyện ngày xưa, hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi - Ảnh 2.

Đèn ngủ gây cản trở cho hormone tăng trưởng sản xuất.

Tuy nhiên, ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn ngủ trong phòng trẻ em cả đêm không phải là một điều tốt.

Hormone tăng trưởng được sản xuất trong khi bạn đang ngủ, và nó được cơ thể sản xuất tốt hơn trong bóng tối hoàn toàn.

Tracy Bedrosian, nhà thần kinh học tại Đại học bang Ohio cho biết, bất cứ đèn ngủ có ánh sáng màu gì cũng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ. 

Tuy nhiên, nếu không thể ngừng sử dụng đèn vào ban đêm, bạn nên thay thế bằng loại ánh sáng phù hợp.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng xanh lá cây làm thay đổi đồng hồ sinh học khoảng 90 phút còn ánh sáng xanh da trời làm thay đổi khoảng 180 phút. Nó khiến ta khó có một giấc ngủ ngon.

Ánh sáng đỏ và cam không ngăn chặn việc sản xuất melatonin nhiều như ánh sáng xanh, trắng và ít làm gián đoạn nhịp sinh học của bạn.

4. Rung, lắc trẻ

Đây cũng là một sai lầm rất phổ biến của các bậc phụ huynh.

Các bậc cha mẹ thường bế hay đung đưa để ru trẻ ngủ. Đôi khi, ông bố bà mẹ đã mỏi nhừ cả người rồi mà trẻ vẫn không chịu ngủ.

Các bác sĩ nhi khoa cho rằng đây là thói quen xấu cần bị loại bỏ. Thói quen này không chỉ làm rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến thần kinh mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ trong trường hợp trẻ vừa ăn no.

Điều hơn cả là bạn nên dạy bé tuân theo lịch ngủ từ khi sinh ra và không dễ bị tác động bởi: đói, tã ướt, tiếng ồn, quần áo khó chịu,...

5. Không cho trẻ soi gương vì mê tín

Theo suy nghĩ mê tín từ thời xa xưa, các bậc cha mẹ thường không cho trẻ soi gương với suy nghĩ gương sẽ làm con bị ốm.

10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với chuyện ngày xưa, hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi - Ảnh 3.

Chơi trước gương góp phần giúp trẻ phát triển nhận thức.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa và tâm lý học từ khắp nơi trên thế giới, đây là một khái niệm thực sự kỳ lạ.

Bác sĩ Suzy Green, người sáng lập Viện The Positivity khuyên cha mẹ nên chơi với con trước gương. Hoạt động này sẽ giúp phát triển nhận thức của trẻ, một điều hiếm thấy trong thế giới động vật.

Ở các độ tuổi khác nhau, trẻ em có những phản ứng khác nhau đối với sự phản chiếu của chúng trong gương, nhưng đó luôn là một trải nghiệm hấp dẫn và tích cực đối với chúng.

6. Tạo môi trường vô trùng cho trẻ

Chúng ta đã quen nghĩ rằng sự sạch sẽ là vô cùng quan trọng. Một trong những sai lầm lớn nhất mà cha mẹ mắc phải là dọn dẹp căn hộ quá thường xuyên và cấm con cái họ tiếp xúc với vật nuôi.

Nhưng các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia khác nhau tiết lộ rằng khi môi trường quá sạch sẽ có hại cho sự phát triển của trẻ.

Môi trường vô trùng làm chậm sự hình thành một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, sẵn sàng chống lại nhiễm trùng của bé. Không chỉ thế, môi trường này còn thúc đẩy các phản ứng dị ứng như: hen suyễn, viêm mũi và viêm da dị ứng.

Trẻ càng sớm đối phó với một chất gây dị ứng tiềm năng, hệ thống miễn dịch của chúng sẽ học cách coi nó như một điều bình thường.

7. Dạy trẻ sử dụng bô quá sớm

Đây luôn là một chủ đề rất gây tranh cãi.

Bàng quang của trẻ cần khoảng 3 hoặc 4 năm để phát triển bình thường. Vì vậy, đi tiểu tự nhiên thực sự giúp phát triển bàng quang.

10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với chuyện ngày xưa, hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi - Ảnh 4.

Dạy trẻ sử dụng bô quá sớm không phải là một điều đúng đắn.

Đừng mong đợi con bạn dùng bô khi chúng mới một tuổi hoặc một tuổi rưỡi. Ở độ tuổi này, con còn chưa biết cách phản ứng phù hợp với các tín hiệu của cơ thể.

Bác sĩ tiết niệu trẻ em Stephen Hodges cho biết, sớm hay muộn, đứa trẻ sẽ học cách kiểm soát tín hiệu của chúng. Đây là thời điểm thích hợp để con bắt đầu sử dụng bô.

8. Để trẻ đi chân trần

Thời gian trung bình để trẻ bắt đầu biết đi vào khoảng một tuổi. Vào thời điểm này, một số cha mẹ vội vàng đến cửa hàng mua giày dép ở nhà, một số người khác để bé đi chân trần. Vậy như nào mới là tốt cho con?

Mặc dù các nhà nghiên cứu không chỉ ra đâu là phương án tốt nhất, nhưng họ đồng ý rằng việc đi chân trần mang lại một vài tác hại nhất định.

Sẽ không có vấn đề gì khi trẻ có cơ hội đi chân trần trên cát, cỏ hoặc đá mịn. Nhưng khi đi trên nền gạch là cả một vấn đề.

Khi đi trên mặt phẳng, toàn bộ tải trọng đặt lên gân, khiến các cơ của bàn chân sẽ không phát triển đúng cách.

9. Ép trẻ ăn

Cho trẻ ăn hiện vẫn đang trở thành "cuộc chiến" ở nhiều gia đình. Vì thấy con lười ăn, các bậc phụ huynh thường cố gắng thuyết phục, nịnh nọt, "hối lộ" thậm chí là dọa nạt chúng. Kết quả, đồ có thể được ăn hết, nhưng chỉ cha, mẹ là người duy nhất cảm thấy hài lòng.

10 sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ cần thay đổi ngay: Đừng ví von với chuyện ngày xưa, hiện tại không phù hợp thì cần phải thay đổi - Ảnh 5.

Đừng ép trẻ ăn nếu chúng không muốn.

Trên thực tế, ít người biết rằng hành vi này góp phần phát triển thói quen ăn uống xấu cho chính con bạn. Nó khiến trẻ không biết cách hiểu cơ thể của mình.

Bên cạnh đó, việc cho con ăn quá nhiều một lúc, gây áp lực cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.

10. Bón cho con

Theo Amy Brown, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng trẻ em tại Đại học Swansea, chúng ta không nên đút cho con ăn trong khi chúng có thể tự dùng thìa.

Những đứa trẻ được cha mẹ đút cho ăn bằng thìa lâu hơn bình thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề về cân nặng trong tương lai.

Ngoài ra, trong quá trình đút cho trẻ ăn, thật khó để biết khi nào trẻ đã no và kết quả là khiến trẻ ăn quá nhiều.

Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em tự ăn có khả năng ăn theo tốc độ của riêng mình và có cơ hội nghiên cứu hương vị của các loại thực phẩm, giúp chúng phát triển thái độ đúng đắn đối với thực phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại