Ô tô là một trong những hệ thống máy móc phức tạp và ấn tượng nhất trong toàn ngành công nghiệp nói chung. Chúng cũng luôn thay đổi không ngừng để đạt tới các cột mốc cao hơn kể từ lần xuất hiện đầu tiên với các hãng xe đua nhau mang đến độ an toàn, tiện nghi và cảm giác lái hoàn hảo nhất.
Dưới đây là 10 phát minh đã mang tới những bước nhảy vọt trong lịch sử ngành ô tô đến từ khắp các mảng riêng biệt, chẳng hạn như động cơ hay an toàn.
Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ hiện giờ, trong vòng 20 năm tới ô tô sẽ trở thành một loại phương tiện rất khác với nhiều tính năng mà vẫn còn nằm trong mục "viễn tưởng" ngày nay.
Dây an toàn
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là phát minh đã cứu sống nhiều mạng người nhất trong lịch sử ngành ô tô toàn cầu. Dù xuất hiện trên máy bay từ những năm đầu tiên của thế kỷ trước, dây an toàn 3 điểm chỉ có mặt trên ô tô bắt đầu từ năm 1958 – thời điểm Volvo tích hợp trang bị này lên dòng P220 Amazon.
Túi khí
Hiểu đơn giản thì túi khí là một túi "nhỏ" được bơm phồng lên chỉ trong vài mili giây trong trường hợp tai nạn xảy ra để ngăn hành khách va chạm trực tiếp với táp lô hay vô lăng phía trước.
Dòng xe đầu tiên sử dụng túi khí là Oldsmobile Toronado (1973), tuy nhiên phải đến năm 1981 hệ thống túi khí hiện đại đầu tiên mới được trình làng nhờ công của Mercedes-Benz với dòng S-Class. Tới giờ, đây đã là trang bị tiêu chuẩn không thể thiếu trên mọi dòng ô tô.
Hệ thống cân bằng điện tử (ESP)
Công nghệ an toàn này xếp thứ 2 về số mạng người cứu sống được chỉ sau dây an toàn và thực tế, ý tưởng sáng tạo ra ESP hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào năm 1989, một kỹ sư Mercedes-Benz là ông Frank Werner Mohn mất điều khiển chiếc E-Class (W124) của mình tại Thụy Điển khi đang trên đường tới khu chạy thử của thương hiệu Đức.
Trong lúc chờ cứu hộ tới, ông băn khoăn rằng liệu có thể sử dụng cảm ứng phanh ABS để kiểm soát tốc độ mỗi bánh xe riêng biệt hay không nhằm mục đích kích hoạt riêng lẻ phanh từng bánh để tránh tai nạn như ông vừa gặp phải.
Thắc mắc của vị kỹ sư được Mercedes-Benz ủng hộ và sau đó chính ông đã phát triển nên thuật toán cho phép máy tính tính được mỗi bánh cần phanh lại bao nhiêu để tạo độ cân bằng tối đa cho xe tùy trường hợp.
Tới năm 1992, Mercedes-Benz bắt đầu phát triển hệ thống ESP hoàn chỉnh đầu tiên và ra mắt tính năng này sau đó trên dòng CL 600. Từ tháng 11/2011 tới nay hệ thống này đã trở thành tính năng mà ô tô bắt buộc phải có tại khu vực EU.
Phanh khẩn cấp tự động
Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động trong đô thị xuất hiện trên xe Volvo từ gần một thập kỷ trước sử dụng camera laser hồng ngoại cho phép xe tự phanh lại ở tốc độ vận hành dưới 30 km/h.
Kể từ đó tới nay, mức giới hạn tốc độ của công nghệ này đã ngày một tăng lên (Mercedes-Benz S-Class hay E-Class có thể tự phanh cho tới mốc 200 km/h) nhờ ứng dụng dữ liệu camera tốc độ tầm xe để nhận diện vật cản hoặc người đi bộ băng qua đường.
Cruise Control thích ứng
Cách hệ thống Cruise Control thích ứng vận hành, minh họa qua Volvo V60 2019
Cruise Control sẽ tự động giữ nguyên tốc độ xe ở một mức nhất định theo yêu cầu của người dùng. Cruise Control thích ứng có thêm khả năng tự tăng hoặc giảm tốc tùy vào tình hình giao thông phía trước sử dụng radar cùng camera trước gắn trên tản nhiệt hoặc gương giữa.
Hệ thống này đã trở nên cực kỳ phổ biến trong một thập niên qua và trở thành nền tảng cho công nghệ tự lái ngày nay.
Hệ thống tự lái
Audi A8 2018 với công nghệ tự lái cấp độ 3
Được đánh giá là "tương lai của nền công nghiệp ô tô toàn cầu", hệ thống tự lái, đúng như cái tên của mình, cho phép người dùng giải trí hay làm việc trong xe mà không cần quan tâm tới cung đường phía trước nếu đạt tới cấp độ 5 hoàn chỉnh.
Một số mẫu xe cao cấp hiện giờ tới từ Audi. BMW, Volvo, Mercedes-Benz hay Tesla đã trang bị hệ thống cấp thấp hơn với chiếc Audi A8 tiến xa nhất (cấp 3).
Động cơ diesel
Có thể nói động cơ diesel đã thay đổi nền công nghiệp ô tô không phải một mà tới 2 lần. Lần đầu tiên là khi kỹ sư người Đức Rudolf Diesel phát minh ra hệ thống này vào năm 1883 dẫn tới việc Mercedes-Benz ứng dụng công nghệ này trên chiếc 260 D... 53 năm sau đó (1936). Công suất động cơ lúc đó chỉ vỏn vẹn 45 mã lực.
Kể từ đó tới năm 2015, động cơ diesel đã ngày một chiếm được cảm tình của người tiêu dùng với doanh số ngày càng tăng nhờ hiệu suất nhiên liệu tốt.
Tuy nhiên, scandal Dieselgate của Volkswagen đã phá hỏng tất cả và vô tình biến động cơ này thành "bàn đạp" cho một dòng hệ thống truyền động khác xanh hơn, sạch hơn: điện.
Hệ thống đánh lái 4 bánh (AWS)
Mercedes-Benz giới thiệu hệ thống đánh lái 4 bánh đầu tiên trên toàn cầu trên dòng xe quân sự VL 170 trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Hệ thống này cho phép quay cả trục trước và sau theo hướng đối diện qua cách người lái bẻ vô lăng, nhờ đó làm giảm bán kính quay đầu.
Dòng xe phổ thông đầu tiên ứng dụng hệ thống này với điều khiển điện tử là Honda Prelude (1988). Ngày nay nhiều dòng xe ứng dụng AWS để tối ưu khả năng vận hành trong đường đua chẳng hạn như Porsche 911.
Điều hòa
Công nghệ điều hòa tìm được chỗ đứng của mình trong ngành công nghiệp ô tô từ năm 1939 trên dòng xe Packard 120.
Lúc đó hệ thống điều hòa chiếm toàn bộ không gian cốp xe và chỉ có đúng 2 chế độ bật và tắt. Tới giờ, hệ thống điều hòa đã phát triển tới mức thậm chí còn cho phép điều chỉnh nhiệt độ và hướng gió cho từng hành khách trong xe.
Hệ dẫn động 2 cầu (AWD)
Dòng xe đầu tiên sử dụng hệ dẫn động 2 cầu mà không phải xe off-road là Jensen FF 1966 chứ không phải Audi như mọi người hay lầm tưởng.
Hệ thống 4x4 trên chiếc Jensen được Ferguson Formula phát triển, lý giải cho hậu tố FF phía sau. 37% mô-men xoắn được chuyển tới trục trước trong khi 63% gửi tới trục sau, nhờ đó biến Jensen FF trở thành dòng xe đi đường tuyết hoặc trơn trượt tốt nhất lúc bấy giờ.
Sau đó, hệ dẫn động 2 cầu đã biến đổi làng đua xe toàn cầu mà sau này không một mẫu xe đua nào không sử dụng AWD. Rất, rất nhiều những mẫu xe bán ra đại trà ngày nay cũng sử dụng AWD để cải thiện lực bám.