Bất cứ khi nào phát minh ra một thứ gì mới chưa từng được nghĩ đến, hãy đăng ký cấp bằng sáng chế nhanh nhất có thể.
Nếu không, nguy cơ lớn là công sức và chất xám của bạn sẽ bị người khác “nẫng tay trên”. Những trường hợp hi hữu đó thực tế đã xảy ra vài lần trong lịch sử phát triển của loài người.
Có thể những nhà sáng chế đó cũng được hưởng một chút công trạng và tài sản cho việc nảy ra phát kiến trên, thế nhưng so với mặt bằng chung, bấy nhiêu đó vẫn chưa thấm vào đâu cả.
Cùng nhìn lại những phát minh và chủ nhân “không may mắn” của chúng:
1. Diêm - John Walker
Nhiều người nghĩ rằng chúng ta đã sử dụng diêm để đốt lửa và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sưởi ấm trong vòng suốt hàng trăm, hàng nghìn năm qua. Thế nhưng sự thực là phát kiến trên được biết đến lần đầu vào năm 1827.
Nhà phát minh và chuyên gia hóa học John Walker đã hoàn thiện nên loại diêm phổ biến nhất thế giới mà chúng ta vẫn tin dùng hiện nay, trước đó được bán tại quê hương Stockton của ông.
Walker gọi tên chúng là “diêm ma sát”, nhưng hầu hết mọi người sử dụng từ “diêm quẹt” trong giao tiếp hàng ngày cho thuận tiện. Lý do Walker không đăng lý bằng sáng chế cho diêm là do ông chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với thiết kế của mình.
Sau này, ông để lại công trình đó tiếp quản bởi Isaac Holden, người đã có công mở rộng và quảng bá sản phẩm này ra thị trường chung trên khắp thế giới.
Chính vì động thái trên mà Holden thường bị nhầm là chủ nhân cho phát minh này, trong khi John Walker - sau khi qua đời vào năm 1859 - mới được công nhận là tác giả thực sự nhờ vào qua trình điều tra sổ sách ghi chép được tìm thấy trước đó.
2. Động cơ hơi nước cho tàu chiến - Benjamin Bradley
Benjamin Bradley sinh ra trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ tại Mỹ vào thế kỷ 19. Ông đã được con của chủ nô dạy dỗ một cách giấu giếm, từ đó thể hiện khả năng phi thường của mình trong bộ môn toán học và đọc hiểu.
Khoảng những năm 1830, ông được nhận vào làm vị trí kỹ sư và đã tự tay tạo ra một động cơ hơi nước từ những linh kiện và rác thải bỏ đi quanh khu vực sinh sống và làm việc.
Sau đó, ông tiếp tục làm việc cho Học viện Hải quân Mỹ tại Annapolis, Maryland, nơi ông trực tiếp tham gia và hỗ trợ tiến hành rất nhiều nghiên cứu.
Ông nhận được lương toàn phần mỗi tháng, nhưng chỉ được giữ lại 5 USD cho bản thân, phần còn lại sẽ thuộc về chủ nhân của mình.
Dần dần, Bradley đã dành dụm đủ tiền để tự thiết kế và xây dựng một động cơ hơi nước có công suất đủ lớn và mạnh mẽ để tiếp năng lượng vận hành cho cả một con tàu chiến thời bấy giờ.
Trên danh nghĩa là một nô lệ, ông không có quyền được cấp bằng sáng chế riêng, mặc dù đã góp công rất lớn vào chuyến thử nghiệm khởi hành cho con tàu động cơ hơi nước đầu tiên của Mỹ.
Cuối cùng, ông đã quyết tâm kiếm đủ số tiền để “mua lại” sự tự do cho bản thân, nhưng đã quá muộn để có thể khẳng định tên tuổi qua phát minh quan trọng của nhân loại trên.
3. Thẻ tín dụng từ hóa - Ron Klein
Ông đã sáng chế ra một phương pháp để mã hóa, truyền tải thông tin cơ bản của một tài khoản lên những băng ghi âm từ tính trên, sao đó đính kèm tích hợp vào mặt sau của một thẻ tín dụng.
Xét về lợi nhuận thu được từ phát kiến trên, Klein chưa thu được phần nào đáng kể cả. Nhưng bù lại, tài năng của bản thân cũng giúp ông có được một cuộc sống sung túc nhờ vào nhiều phát minh khác.
Ông đã tự xưng là “Cha đẻ của những phát minh”, và thậm chí vẫn tiếp tục cống hiến nhiều phát kiến nữa cho tới tận thời đại ngày nay.
4. Chân vịt tàu máy hơi nước - Benjamin T. Montgomery
Ben Montgomery sinh ra là một nô lệ ở Virginia, bị bán cho một chủ đồn điền phía nam, Joseph Davis vùng sông Mississippi.
Davis nổi lên là anh trai của Jefferson Davis, Tổng thống tương lai của phe miền Nam Hoa Kỳ thời nội chiến. Thế nhưng, chính Benjamin mới là người mở ra một trang sử mới, cụ thể là trong ngành công nghiệp vận chuyển bằng tàu thủy trên sông Mississippi.
Để chống chọi và khắc phục những khó khăn trong việc di chuyển trên sông do ảnh hưởng của những mực nước và độ sâu phức tạp, Montgomery đã sáng chế ra phương pháp mới nhắm đến một hệ thống chân vịt chạy bằng động cơ hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho tàu thuyền ở vùng nước nông.
Cũng tương tự như trường hợp trước đó, nô lệ không có quyền khẳng định phát minh của mình. Tuy nhiên, may mắn là Davis đã cho phép Montgomery được tự tay giữ số tiền kiếm được nhờ hoạt động kinh doanh thương mại thành công đó, nhờ vậy mà ông thoát kiếp nô lệ khi tự trả được số tiền chuộc bản thân.
Dù sao thì những lợi ích xuất phát từ việc cấp bằng sáng chế vẫn là một điều quá xa xỉ cho số phận của Montgomery.
5. Súng AK-47 - Mikhail Kalashnikov
Khẩu súng tự động thông dụng nhất hành tinh hóa ra lại được chế tạo từ bàn tay của một người đàn ông không mong muốn gì hơn là được phục vụ và cống hiến cho đất nước của mình.
Cụ thể, Mikhail Kalashnikov sáng chế ra AK-47 trong khi làm việc với vai trò là một nhà nghiên cứu vũ trang cho Liên minh Soviet vào năm 1947.
Vũ khí này sau đó đã trở nên rất phổ biến, được tin dùng bởi hầu hết quân đội, lính tự phát, khủng bố, quân nổi loạn hay cả những phần tử hoạt động phi pháp trên toàn thế giới.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 100 triệu khẩu AK-47 hiện đang được sử dụng trong thời đại hiện nay.
Với danh nghĩa là một nhà hoạt động cộng sản cho Liên minh Soviet, ông chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào đến từ phát minh của chính mình.
Vài tháng trước khi qua đời vào năm 2013, Kalashnikov đã viết một bức thư tạ lỗi, trong đó ông cầu xin sự tha thứ từ Nhà thờ Giáo hội chính thống của Nga vì đã tiếp tay cho một công cụ cướp đi hàng triệu sinh mạng trên hành tinh này.
Trích những dòng thư của ông: “Không gì có thể sánh được với những dằn vặt và đau đớn về mặt tinh thần của tôi. Suốt những năm qua tôi vẫn luôn tự vấn lương tâm mình rằng: Mỗi lần khẩu súng của tôi lấy đi một mạng người, cái chết của họ cũng góp một phần vào trách nhiệm mà tôi đáng phải gánh vác và đền bù cho thế giới…”
6. Khoai tây rán lát mỏng - George Clum
Những lát khoai tây chiên có lẽ là phát minh duy nhất trong danh sách này không liên quan đến một khía cạnh tiêu cực nào cả.
Khi còn làm việc dưới cương vị một đầu bếp ở nhà hàng Moon’s Lake House vào năm 1853, George Clum nhận yêu cầu làm món khoai tây chiên Pháp của một thực khách, nhưng người đó liên tục phàn nàn rằng khoai tây quá dày và mềm.
Quyết định “ăn thua đủ” với vị khách khó tính này, Clum đã cố tình cắt khoai mỏng đến mức không thể mỏng hơn, sau đó chiên giòn hẳn hơn so với thông thường.
Cuối cùng, món ăn này trở thành một phong trào nở rộ lên ngay sau đó, khiến cho tiếng tăm của Clum nổi như cồn.
Để rồi sau khi tự mở một nhà hàng riêng, ông vẫn luôn để một bát khoai tây chiên sẵn trên mỗi bàn để mời khách, đặt tên cho chúng là “Saratoga Chips”.
Bất ngờ là Clum chưa bao giờ đăng ký quyền sáng chế cho công thức trên, để rồi nhiều người khác cũng tự do học tập và bán ra những sản phẩm tương tự phục vụ nhu cầu trên toàn thế giới.
7. Tàu đệm khí - Christopher Cockerell
Trong quá trình làm việc và điều hành công ty vận tải đường thủy của riêng mình, Cockerell đã nhận thấy một vấn đề khá bức thiết liên quan đến những sự cố và trở ngại khiến chuyến đi bị trì hoãn và chậm trễ hơn so với kế hoạch.
Do đó, ông đã sáng chế ra một loại hình tàu thủy có khả năng di chuyển nhanh gọn nhẹ như lướt đi trên mặt nước nhờ vào một số đặc điểm đột phá và riêng biệt.
Cockerell đã dành ra hàng năm trời để nghiên cứu, nâng cấp và hoàn thiện mẫu tàu đệm khí này, sử dụng những đồ vật như máy hút bụi và hộp thức ăn để thử nghiệm tính khả thi dựa trên tỷ lệ thu nhỏ.
Khi tiến đến thiết kế một nguyên mẫu bằng gỗ chuyên dùng để làm mô hình, ông đã quyết định thu thập thông số đầy đủ và đăng ký bằng sáng chế.
Tuy vậy, không may là thời thế chưa đủ chín muồi, chẳng có hãng vận tải hay tổ chức nào chịu đầu tư và hợp tác, để rồi Cockerell đã phải cay đắng bán phát minh của mình cho chính phủ Anh, với tiềm năng được cho là có thể áp dụng kèm mục đích chế tạo phương tiện khí tài quân sự.
Chính phủ Anh đã chấp nhận yêu cầu mua lại bằng sáng chế, nhưng ngay lập tức niêm phong dấu tuyệt mật, khiến Cockerell không thể kêu gọi thêm các nguồn tài trợ khác ngoài xã hội.
Sau vài năm, các cơ quan có thẩm quyền đã hoàn thiện thành công phiên bản chính thức vào 11/6/1959.
Cockerell kể từ đó cũng không hề nhận được khoản lợi nhuận nào đến từ sáng chế của mình, tuy nhiên không lâu sau đó ông đã được phong học vị tiến sỹ danh dự và tước hiệp sỹ từ Nữ hoàng Anh.
8. Chuột máy tính - Douglas Engelbart
Năm 1968, Engelbart giới thiệu phát minh của mình đi kèm như một phần không thể thiếu đối với những công nghệ liên quan đến siêu văn bản, các cửa sổ tác vụ, màn hình làm việc…
Dù ông đã nắm trong tay hơn 20 bằng sáng chế khác nhau, nhưng không hiểu sao lại không có chuột máy tính trong số đó.
Lý do đơn thuần ông phát minh ra nó là để hỗ trợ cho các thao tác điều hành và quản lý máy tính, do đó chưa bao giờ ông tính đến khía cạnh thương mại hóa tiềm năng và giá trị sử dụng của nó cả.
Sau này, Engelbart đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các thiết bị hỗ trợ cho máy tính và khoa học, đặc biệt là khi công ty mà ông đang làm việc - SRI - đứng ra đăng ký bằng sáng chế cho chuột máy tính và ủy quyền lại cho Apple với mức giá 40.000 USD.
Không có bất kỳ công lao nào được nhắc đến cùng cái tên Engelbart cả.
9. Biểu tượng mặt cười - Harvey Ball
Những thế hệ sinh ra sau năm 1963 chắc hẳn sẽ không bao giờ ngờ được rằng ngay cả icon biểu lộ cảm xúc mặt cười màu vàng cổ điển, đơn giản cũng phải mất cả một quá trình mới xuất hiện trên thế giới.
Nhưng xét về nỗ lực để nghĩ ra ý tưởng trên, Harvey Ball chỉ tốn 10 phút, tỷ lệ nghịch với sự ít ỏi về giá trị lợi nhuận mà ông nhận được từ nó: 45 USD (tương đương 350 USD hiện nay).
Khi đó, Ball đang hành nghề nghệ sỹ tự do và được Công ty Bảo hiểm Xã hội của bang giao nhiệm vụ thiết kế nên một hình ảnh đại diện mới để tăng cường, củng cố tinh thần làm việc cho nhân viên.
Biểu tượng mặt cười đó đã liên tục được gắn lên nhiều vật dụng và cả quần áo, poster cũng như hầu hết mọi thứ tại công ty. Lợi nhuận mang về cho công ty lên đến hàng tỷ USD, nhưng Ball chỉ nhận được khoản trả công ít ỏi ban đầu như vậy.
10. Trò chơi xếp hình - Alexey Pajutnov
Có lẽ Tetris không còn là cái tên xa lạ gì đối với hầu hết mọi người trên thế giới từng tiếp xúc hoặc hiểu biết sơ qua thế giới công nghệ.
Đây là một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất trong lịch sử từ trước đến nay với hơn 70 triệu lượt bán ra trên toàn cầu, thu về lợi nhuận vài tỷ USD kể từ khi được tung ta vào năm 1984.
Tuy nhiên, Alexey lại là thành viên của Liên minh Soviet, do đó chính quyền cộng sản không cho phép mọi người trong nội bộ của mình được sở hữu tài sản hay sáng chế tư, cho nên họ đã trưng dụng làm tài sản công của chính phủ.
Trờ chơi Tetris đã dần được lan tỏa đến thị trường phương Tây thông qua máy trò chơi Game Boy sản xuất bởi Nintendo, và tất nhiên doanh thu từ đó không hề được qua tay Alexey.
Chính quyền Soviet đã hứa sẽ có những động thái đền bù sau chặng đường phát triển 10 năm, nhưng sự sụp đổ của chế độ này đã khiến lời hứa đó “tan thành mây khói”.
Tham khảo: Listverse