10 năm "thác ghềnh" của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn

Thảo Nguyên |

Có thời điểm tập đoàn Hoa Sen chiếm 40,5% thị phần ngành tôn mạ Việt Nam nhưng cú sốc năm 2018 khiến tập đoàn này gồng gánh khoản nợ gần 20.000 tỷ đồng.

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong 10 năm qua với series  " THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG " - Câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".

2009-2013: VỪA CHÀO SÀN ĐÃ GẶP KHỦNG HOẢNG

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Đến ngày 19/9/2009, cổ phiếu của doanh nghiệp này được chấp thuận niêm yết tại Sở GDCK TP HCM với tổng giá trị 570 tỷ đồng.

Giai đoạn 2008-2009, ngành thép thường xuyên cần một lượng vốn rất lớn cho việc duy trì sản xuất, doanh nghiệp thép lao đao, vấn đề sống còn hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tín dụng từ ngân hàng. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán giúp Hoa Sen thêm một kênh huy động vốn ngoài kênh tín dụng ngân hàng và có những bứt phá về kinh doanh.

Trong đầu năm 2009, cổ phiếu HSG liên tục tăng giá. Có giai đoạn HSG tăng 46% từ 16.100 đồng lên 23.500 đồng. Bên cạnh xu hướng chung của thị trường, sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu ngành thép như HSG có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân: Kết quả kinh doanh tốt và sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang nhóm các cổ phiếu nhỏ.

Những thuận lợi về kinh doanh Hoa Sen mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với dự án Cao ốc Phố Đông – Hoa Sen. Cũng từ đầu tháng 6/2009, tập đoàn này chính thức thành lập Công ty TNHH một thành viên nhựa Hoa Sen. Tổng cộng công suất sẽ đạt tới 1.800 tấn nhựa thành phẩm/tháng. Tháng 9, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2010 của HSG đã thông qua chủ trương phát hành không quá 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhằm đầu tư tài sản cố định cho dự án nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, mở rộng hệ thống phân phối và bổ sung vốn lưu động.

Thế nhưng những tháng cuối năm 2009, bối cảnh kinh tế vĩ mô chuyển sang hướng khó khăn. Hoa Sen nhanh chóng giải thể 2 công ty vừa thành lập gồm Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Nhựa Hoa Sen vào tháng 12.

Năm 2011 thị trường thép tiếp tục đối diện nhiều thách thức: Môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, mất cân đối cung cầu, nguy cơ thiếu điện, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, ngành thép Việt Nam phải cạnh tranh với lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực khi Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi cao về chính sách thuế theo lộ trình WTO.

Trước bối cảnh này, HSG đệ trình ĐHCĐ 3 phương án kinh doanh để dự phòng cho trường hợp thị trường thép biến động. Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 thấp nhất là 150 tỷ đồng, giảm 30,3% so với thực hiện và giảm 71,2% so với kế hoạch 2010. Phương án tốt nhất của HSG chưa bằng một nửa kế hoạch năm 2010.

Nền kinh tế Việt Nam thời điểm 2011-2012 ở trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu bước vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành kinh doanh. Cuối năm 2011, Chủ tịch Tập đoàn đã quyết định để Hoa Sen rút khỏi mảng kinh doanh phụ là bất động sản, cảng biển và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản phẩm thép.

Những động thái nhanh nhẹn giúp tập đoàn này đứng vững trước khủng hoảng. Báo cáo thường niên năm 2011-2012 của HSG cho thấy, thị phần tôn mạ của công ty đã thay đổi rõ nét. Từ mức 37,2% của năm 2011, công ty đã nâng thị phần lên 40,5%, vượt xa doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Sun Steel với thị phần 11,7%.

Kết thúc năm 2012, HSG lội ngược dòng ngoạn mục trong khi nền kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ. Cụ thể, tại niên độ tài chính 2011 - 2012, HSG đạt doanh thu 10.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 368 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 130% so với 8.166 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của niên độ tài chính trước đó.

Năm 2013, Tập đoàn Hoa Sen mời Nick Vujicic về Việt Nam để truyền cảm hứng vượt qua nghịch cảnh cuộc sống để vươn lên. Đây trở thành sự kiện truyền thông thành công cho Hoa Sen và mở đầu xu hướng marketing bằng sự kiện mời người nổi tiếng thế giới về Việt Nam. Trùng hợp là trong năm này cổ phiếu HSG cũng bứt phá ngoạn mục 139% đưa ông Lê Phước Vũ vào top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

 10 năm thác ghềnh của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn  - Ảnh 1.

Yếu tố giúp cổ phiếu thép tăng mạnh năm 2013 đến từ việc Bộ công thương áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và với thép dài là 14,2% nhằm mục đích hạn chế thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc vốn đã ngập tràn trên thị trường trong suốt những năm trước đó. Bên cạnh đó, một yếu tố khác thúc đẩy sự phục hồi của giá thép trong nước là giá thép, quặng sắt trên thế giới tạo đáy và liên tục tăng trong những tháng đầu năm.

2013-2017: SIÊU DỰ ÁN CÀ NÁ & SỰ TRỞ LẠI VỚI BẤT ĐỘNG SẢN 

Giai đoạn này, thép là một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch tích cực nhất trên thị trường với nhiều mã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn như Hòa Phát ( HPG ), Hoa Sen ( HSG ), Thép Việt Đức ( VGS ), Thép Việt Ý (VIS), Thép Tiến Lên ( TLH ), Thép Pomina ( POM ), Nam Kim ( NKG ). Cổ phiếu thép có sự tăng trưởng nhờ thị trường bất động sản hồi phục, giá nguyện liệu rẻ và áp thuế tự vệ lên sản phẩm nhập khẩu.

"Tôi là người sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hơn 300 triệu USD đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngành tôn thép Tôn Hoa Sen là số 1 Việt Nam và hàng đầu Đông Nam Á", chủ tịch Lê Phước Vũ từng tự hào khẳng định.

Với việc trỗi dậy trong hoạt động kinh doanh, tháng 7/2016 HĐQT Hoa Sen đã đề xuất cổ đông thông qua chủ trương triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Tập đoàn này thành lập một loạt các doanh nghiệp dự kiến hoạt động tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận không chỉ riêng luyện cán thép. HSG đăng ký tổng cộng 26 ngành nghề kinh doanh đáng chú ý là có các ngành: sản xuất sắt thép, trồng rừng, khai thác quặng, gỗ, sản xuất đồ gỗ xây dựng, than cốc, hóa chất cơ bản, xi măng, pin và ắc quy, dây cáp điện, thiết bị điện...

 10 năm thác ghềnh của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn  - Ảnh 2.

Quy hoạch siêu dự án Hoa Sen Cà Ná.

Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen dự kiến đầu tư với số vốn 10,6 tỷ USD và công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy vậy, đây chỉ là "tầm nhìn quy hoạch cho giai đoạn từ 2017-2031". Tại đại hội cổ đông năm 2016, Hoa Sen cũng mới chỉ bàn đến việc triển khai phân kỳ I.1 của dự án, với tổng số vốn cần thiết vào khoảng gần 14.000 tỷ đồng – gấp rưỡi tổng tài sản của công ty. Phần lớn số vốn này đến từ việc đi vay.

Ông Lê Phước Vũ cho biết khi làm dự án này là nhìn thị trường ASEAN chứ không chỉ là thị trường nội địa. Bộ Công Thương cũng cho biết, đến nay ngành thép chỉ sản xuất được thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Theo tính toán, cả nước thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô đến năm 2025.

"Chúng tôi đã có tất cả, quan trọng nhất là sắp tới tự chủ cả nguồn thép xây dựng nếu như dự án nhà máy thép ở Cà Ná (Ninh Thuận) được triển khai đúng tiến độ đề ra. Từ thép, chúng ta sẽ có thêm hàng nghìn tấn xỉ để làm xi măng và nhiều mặt hàng khác nữa. Như vậy, làm bất động sản là khả năng trong tầm tay. Ngu gì không làm bất động sản!", ông Vũ nói.

 10 năm thác ghềnh của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn  - Ảnh 3.

Phối cảnh dự án khách sạn Yên Bái của Hoa Sen.

Năm 2016, ông Vũ đổ tiền để quay lại giấc mơ bất động sản dang dở hồi 2011. Chỉ trong tháng 5/2016, tập đoàn Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn, ngay lập tức khởi công một dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Đồng thời, ông Lê Phước Vũ cũng đã chia sẻ với giới truyền thông là ông còn đầu tư vào nhiều dự án khác. Đặc biệt, Hoa Sen còn đang tham vọng đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Cũng theo ông Vũ, đây là cơ hội "vàng" không chỉ riêng với HSG mà cả Việt Nam bởi vì khi làm ăn ông luôn tuân thủ triết lý "nhất bạn, nhì phận, thứ ba phong thuỷ, thứ tư âm công, thứ năm mới đến đầu tư". "Chúng tôi đã quyết tâm chơi cuộc chơi lớn này. Nếu tôi không hội tụ đủ 5 yếu tố trên thì dứt khoát không làm", chủ tịch HSG nói thêm.

Đầu năm 2017, tập đoàn Hoa Sen đặt chỉ tiêu về sản lượng tiêu thụ là 1.575.000 tấn và doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 1.650 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2016-2017. Tương ứng với mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần là 20% và 29% so với NĐTC 2015- 2016, riêng đối với chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với NĐTC 2015-2016.

Đầu tháng 6/2017 cổ phiếu HSG bất ngờ tăng mạnh, chinh phục đỉnh mới xấp xỉ 34.000 đồng/cổ phiếu. Ông Lê Phước Vũ nhanh chóng bán ra hơn 9,58 triệu cổ phiếu với giá bình quân khoảng 32.000 đồng, thu về khoảng 300 tỷ đồng.

2017-2020: LAO ĐAO & TÁI CẤU TRÚC

Ngay khi ông Lê Phước Vũ bán xong, cổ phiếu HSG bất ngờ giảm sâu, có lúc xuống dưới 27.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 10/2017, CTCP Tập đoàn Hoa Sen công bố kết quả kinh doanh quý 4 niên độ (2016-2017) với doanh thu tăng 40% cùng kỳ năm trước, đạt 6.937 tỷ đồng nhưng lãi ròng chỉ đạt hơn 203 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận quý 4 chỉ bằng nửa năm ngoái, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu khiến vốn hóa liên tục 'bốc hơi'. Kết quả kinh doanh đi xuống của Hoa Sen gây bất ngờ khi hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành đều có sự tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận ròng.

Theo giới phân tích có 3 nguyên nhân dẫn đến điều này: Biên lợi nhuận gộp giảm từ 26% xuống 16%; Chi phí lãi vay tăng đột biến; Tăng chiết khấu dẫn đến tăng chi phí bán hàng.

Năm 2017 là một năm đặc biệt với Tập đoàn Hoa Sen. Đây là năm có tốc độ tăng trưởng rất cao trong việc sử dụng nợ phải trả, theo đó, nợ phải trả đã tăng vọt từ mức 8.180 tỷ đồng cuối năm tài chính 2016 lên mức 16.268 tỷ đồng cuối năm 2017, với tỷ lệ tăng 99%, rất cao so với mức độ tăng nợ phải trả là 25% của năm 2016. Tính đến quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.

Trong bối cảnh nợ vay liên tục gia tăng, ngày 8/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định áp thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu vào nước này với mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu nước ngoài và 10% đối với nhôm. Câu chuyện áp thuế của Mỹ khiến tình cảnh HSG ngày một khó khăn hơn, khi gần 1 năm cổ phiếu này gần như dậm chân tại chỗ.

Nếu lấy mốc so sánh thị phần của Tập đoàn năm 2012 là 40,9% thì năm 2016 sẽ có mức giảm lên tới 7,8%. Sự suy giảm thị phần của Tập đoàn Hoa Sen trong giai đoạn này có nguyên nhân quan trọng đến từ nội bộ ngành, đặc biệt là sự gia tăng đầu tư từ đối thủ mạnh thứ hai trong ngành CTCP Thép Nam Kim và sự gia nhập ngành tôn mạ của một công ty có tiềm lực tài chính rất mạnh là Tập đoàn Hòa Phát.

Việc thâm nhập ngành của Tập đoàn Hòa Phát vào lĩnh vực tôn mạ đồng thời với việc Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á là hai đối thủ mạnh cũng chạy đua đầu tư giành thị phần, Tập đoàn Hoa Sen đã phải dốc toàn lực để bảo vệ thị phần của mình trong ngành tôn mạ thông qua việc tận dụng hết công suất vay nợ của mình để đầu tư chiếm lĩnh thị phần, đẩy hệ số nợ lên cao. Bên cạnh đó, việc hạ giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng để giành thị phần cũng khiến cho tích lũy vốn thông qua lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen giảm xuống.

Trong khi đó siêu dự án Hoa Sen Cà Ná đến tháng 1/2018 vẫn đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư, làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai dự án.

Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến HSG lần thứ 2 gác lại giấc mơ bất động sản.  Tháng 9/2018, tập đoàn này giải thể CTCP Hoa Sen Vân Hội, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau 2 năm kể từ ngày khởi công dự án này vẫn chưa thành hình.

Không những vậy, HSG còn chuyển nhượng bất động sản tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM để thu hồi vốn đầu tư. Việc chuyển nhượng hai thửa đất có diện tích 4.156 m2 và 3.000 m2 thu về gần 140 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group liên tục giảm điểm, ghi nhận giảm hơn 80% so với đỉnh về chỉ còn hơn 6.000 đồng/cp, đây cũng là mức đáy 5 năm trở lại đây. Theo HSG lý giải, xuất khẩu thép trong năm 2018 bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong đó điển hình là việc các thị trường xuất khẩu lớn áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép, phá giá tiền tệ. Thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt khi công suất sản xuất trong nước đang dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ và các doanh nghiệp thép chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa.

 10 năm thác ghềnh của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn  - Ảnh 4.

Chủ tịch Lê Phước Vũ lên núi ở ẩn.

Giữa bối cảnh HSG đi xuống, đầu năm 2019 chủ tịch Lê Phước Vũ quyết định lên núi tĩnh dưỡng. Theo chia sẻ từ ông Vũ tại Đại hội cổ đông, suốt trong thời gian 3 năm (sau vụ Cà Ná), hai tháng ông Vũ mới đến công ty 1 ngày và cũng chỉ trong vòng 1 giờ, nên mọi vấn đề hầu hết do ban lãnh đạo quán xuyến. Thời gian chủ yếu ông ở trên núi, thỉnh thoảng đi thăm vợ con ở Úc.

Dưới áp lực cắt giảm chi phí, HSG cũng đã áp dụng hệ thống ERP thành công giúp tinh gọn bộ máy, giảm nhân viên từ 9.300 về còn 7.000 người trong giai đoạn này.

Nếu những năm 2015-2017, Hoa Sen ồ ạt mở rộng hệ thống, đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, thì trước khó khăn lớn công ty này chuyển sang thu gọn với tốc độ nhanh không kém. Đỉnh điểm năm 2017, số lượng chi nhánh mở mới trong năm lên tới 121 đơn vị, nâng tổng số cửa hàng cuối năm đạt 371 chi nhánh thì chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2019, HSG đã giải thể 371 chi nhánh.

Sau bài học lớn, HSG thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh trong năm 2019: Thay vì đẩy mạnh mở rộng công suất và hệ thống nhằm tăng sản lượng bán, đánh đổi bởi tồn kho cao, vốn lưu động hạn hẹp, dòng tiền hoạt động yếu và tỷ lệ đòn bẩy cao; HSG tiến hành tái cấu trúc các chi nhánh bán lẻ, nỗ lực cắt giảm chi phí, giảm sự phụ thuộc vào nợ vay. Lũy kế cả niên độ 2019-2020, HSG báo lãi 1.100 tỷ đồng tăng 204% so với năm ngoái và vượt 175% chỉ tiêu đề ra ban đầu.

Kết quả kinh doanh này cũng đến từ việc HSG đang hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn thông qua Hiệp định CPTPP, EVFTA, và mới nhất là kỳ vọng từ RCEP.

Tháng 7/2020, HSG chính thức rút khỏi dự án Cà Ná sau 4 năm tuyên bố triển khai với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD. Giữa tháng 7, Chủ tịch Lê Phước Vũ đã làm lễ quy y tại chùa Viên Minh sau nhiều năm tìm hiểu về Phật giáo. Như vậy, sau nhiều năm nhận mình là phật tử trước cổ đông, nhà đầu tư, đến nay ông Vũ mới chính thức quy y cửa Phật.

Kết quả kinh doanh khả quan khiến giá cổ phiếu HSG bật tăng mức đáy khoảng hơn 4.000 đồng lên mức gần 25.000 đồng giai đoạn đầu năm 2021.

 10 năm thác ghềnh của Hoa Sen: Từ số 1 ngành tôn mạ, lập siêu dự án Cà Ná 10 tỷ USD, đến áp lực gánh nợ chục nghìn tỷ đồng, Chủ tịch lên núi ở ẩn  - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại