Mới đây trên mạng xã hội TikTok, viral clip với nội dung “Bạn biết gì không? Năm 2025 chỉ có 29 Tết mà thôi. Và gần 10 năm nữa mới có lại đêm giao thừa 30 Tết.
Năm chúng ta ngồi lại với gia đình đêm 30 Tết cũng là lúc chúng ta thật sự không còn trẻ nữa rồi”.
Sau Tết Giáp Thìn (2024), Tết năm 2025 - Ất Tỵ là năm đầu tiên người dân bắt đầu chuỗi 9 năm đón khoảnh khắc giao thừa vào đêm 29 tháng Chạp. Vì liên tục trong 8 năm (từ 2025 - 2032), tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Thế là, phải chờ đến năm 2033, chúng ta mới được tận hưởng cảm giác của ngày 30 Tết (30 tháng Chạp Âm lịch) - ngày đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam, là ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình khắp mọi miền đất nước sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, cùng nhau chờ đón thời khắc giao thừa.
Lúc đó, những Gen Z đời cuối cũng đã học THPT hoặc lên Đại học, còn những Gen Z đời đầu đã ngoài 30, gần 40 tuổi - cái tuổi mà nhiều người đã yên bề gia thất hoặc có sự nghiệp của riêng mình.
10 năm - 1 thập kỷ là một quãng thời gian dài, có nhiều thứ đang và sẽ thay đổi. Sự hữu hạn của thời gian, của những cột mốc có tính “bước ngoặt” trong cuộc đời khiến nhiều người trong chúng ta không khỏi nôn nao, thổn thức khi nghĩ về chính mình và những người thân xung quanh.
Nhiều người tò mò 10 năm nữa mình còn độc thân hay đã có gia đình. Ảnh minh họa.
Với những gen Z (từ năm sinh 1997 - 2005) đó cũng là giai đoạn mà họ không còn trẻ nữa. 1001 những trăn trở lúc đó mình đã kết hôn chưa, đã mua nhà, mua xe…. và có còn ở bên ba mẹ nữa không.
Những bạn trẻ hơn thì đặt hy vọng cho tương lai sẽ tốt nghiệp ngôi trường mơ ước, có được công việc bản thân mong cầu… “10 năm nữa em 23 tuổi, lúc đó liệu em có đang ngồi trên giảng đường Đại học ngoại thương không?”, “30 Tết của 10 năm sau liệu tôi và người yêu đã là gia đình của nhau chưa, cả hai có mấy đứa con rồi”... là những bình luận của cư dân mạng.
Và cũng có những trăn trở gây day dứt hơn được đặt ra: “Mâm cơm chiều 30 Tết của năm 2033 vẫn là món thịt bung do mẹ nấu và bánh chưng do ba gói, liệu có còn nữa không?”, “Mẹ mình đang bị ung thư, cầu mong rằng 10 năm sau mình vẫn được đón 30 Tết cùng mẹ”, “30 tết năm 24 là năm cuối cùng mình đón giao thừa với ba, 29 tết năm 2025 là năm đầu giao thừa đầu tiên mình không có ba. 10 năm nữa, lúc ngồi ăn bữa cơm đêm 30 Tết cũng là 10 năm xa ba”,... để chúng ta thấy trân quý hơn quãng thời gian hiện tại.
Cũng có những người để lại comment như một lời nhắc nhở bản thân, xem 10 năm sau mình đã trở thành ai? “Hoặc chỉ đơn giản là được sống cùng những người thân yêu của mình, mỗi ngày vẫn thức dậy, ăn món mình thích và làm điều mình muốn”, một netizen chia sẻ.
Và cho dù là ai thì vẫn mong đêm 30 Tết của năm 2033 vẫn được ở bên gia đình của mình… Mỗi người trong chúng ta có những xuất phát điểm và mục tiêu khác nhau, không ai giống ai. Và những mong cầu, mục tiêu hay hoàn cảnh sống cũng sẽ thay đổi theo thời gian.
Thế nên, chúng ta không thể đoán trước ngày mai hay chuyện của 10 năm nữa, song hiện tại thì có thể. Hãy sống ở hiện tại nhiều hơn, dành thời gian hoàn thiện bản thân, nếu được hãy ở bên những người thân yêu, nói những lời yêu thương bố - mẹ mỗi ngày….
Những gì bạn góp nhặt ngày hôm nay, dù là nhỏ nhất cũng là hạt giống gieo lên “bông hoa” của chính bạn mai sau.