10 năm mở rộng Hà Nội: Đất ruộng thành những khu đô thị bỏ hoang

Nhóm PV |

Những ngày đầu 2008, cả Hà Tây cũ và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), nay là ngoại thành Hà Nội, sôi sục trong giao đất, giải phóng mặt bằng.

Các tên làng được chuyển thành phường, từ những ruộng xôi bờ mật thành những dự án bất động sản với những tên gọi mỹ miều nửa Tây nửa Việt. Và giờ, tháng 7.2018, những dự án hoành tráng một thời vẫn là những bãi đất hoang không có người ở.

Người dân bị thu hồi đất, giờ ra sao?

Bà Lê Thị Út (phường Yên Nghĩa, Hà Đông) kể lại chuyện thu hồi đất hơn 10 năm trước. Ngày đó, cán bộ đo đạc ra tận ruộng gia đình bà thống kê thu hồi 1.300m2/1.600m2 đất ruộng. Gia đình 5 miệng ăn trông chờ vào ruộng, nay có thêm hy vọng vào 300 triệu đồng đền bù đất cho dự án Cụm công nghiệp Yên Nghĩa.

Mỗi lần bà Út hỏi về số tiền này, cán bộ đều bảo sắp có. Cái sắp có này đã kéo dài 10 năm. Bà Út bảo, nếu lấy được tiền, bà định đầu tư cho con trai cả học nghề, đứa con gái sẽ cho ít vốn liếng mở quầy tạp hóa. Nhưng đến nay, anh con trai cả đang chạy xe ba bánh tại Hà Đông, còn cô con gái lương tháng vài triệu đồng tại cụm công nghiệp.

Theo HĐND TP.Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang còn gần 200 dự án chậm tiến độ trên địa bàn ba huyện Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh và hai quận Hà Đông và Nam Từ Liêm.

Nguyên nhân được chỉ ra bao gồm, chậm giải phóng mặt bằng, chậm giao đất, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Cụm công nghiệp Yên Nghĩa là một trong những dự án lấy đất ào ạt vào thời Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Bây giờ, tháng 7.2018, Cụm công nghiệp Yên Nghĩa đã thành hình, có những xưởng sản xuất đi vào hoạt động nhưng lời hứa sẽ có trường dạy nghề cho thanh niên làng Do Lộ thời đó vẫn là lời hứa treo.

“Hết ruộng, thanh niên làng ra phố làm đủ thứ nghề, đứa chạy xe ôm, đứa làm nghề dịch vụ đám cưới, đám hỏi. Thu nhập nhì nhằng vài triệu đồng một tháng cũng đủ để nuôi thân” - bà Út nói.

Đấy là Hà Đông, là khi thu hồi đất thì dự án còn mọc lên, hoạt động. Còn Mê Linh - thiên đường của các dự án bất động sản một thời - hiện giờ thành bãi đất hoang. Ông Lê Văn Khôi (59 tuổi, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) cho biết sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, tam bề, tứ phía là các dự án nhưng toàn dự án treo.

“Xung quanh đây tìm đâu cũng dễ dàng thấy những dự án bỏ hoang. Hạ tầng ở những khu vực này vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng tôi mong chờ những dự án được triển khai làm cho bộ mặt của huyện được khang trang, giàu đẹp hơn nhưng vẫn cứ mòn mỏi vậy thôi” - ông Khôi nói.

Dự án bất động sản thành những bãi đất hoang

Là một xã trên địa bàn của thủ đô, xã Tiến Xuân (Thạch Thất) được cho là một trong những địa phương có nhiều dự án treo sau khi sáp nhập. Theo ông Quách Đình Thắng - Phó Chủ tịch xã Tiến Xuân, xã đang có 25 dự án, trong đó phần lớn “nằm trên giấy”.

Được biết, 25 dự án này đều được dồn dập phê duyệt đầu tư trong khoảng thời gian khoảng đầu năm 2008. Tất cả những dự án này đều do UBND tỉnh Hòa Bình là đơn vị ký chứng nhận/cấp phép/quyết định đầu tư.

Với 25 dự án này, đến nay số dự án đã và đang triển khai hoặc vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng là 8; 17/25 dự án hết thời hạn từ lâu; 16 dự án đã có quyết định thu hồi.

Ông Thắng lý giải: Sở dĩ hàng loạt dự án xin chứng nhận đầu tư giai đoạn trước khi Tiến Xuân được “về” Hà Nội (trước tháng 8.2008) nhằm tranh thủ những ưu đãi đầu tư của tỉnh Hòa Bình; chi phí đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng rẻ hơn rất nhiều; thứ hai nhằm “đón đầu” Tiến Xuân trở thành “Hà Nội”, bất động sản sẽ tăng giá nhiều lần.

Trong khi đó, ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực huyện Mê Linh, dọc hai bên con đường nối xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm... có thể thấy hàng chục mảnh đất nhiều năm bỏ hoang, cỏ dại mọc.

Những dự án không thấy bóng dáng công nhân, công trình xây dựng mà chỉ thưa thớt một vài cây xanh, vài trăm mét đường nội bộ kèm theo tấm biển công trường trống huơ, trống hoác.

Gần khu vực đồi 79 mùa xuân (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh), có dự án bỏ hoang, cỏ mọc đầy cả gần chục năm trời mà không hề có bất kỳ công trình, nhà xưởng hay khu đô thị nào như tên của những dự án được giao đất cách đây 10 năm.

Trên địa bàn giáp ranh giữa hai xã Thanh Lâm, Đại Thịnh có thể kể tên đến những dự án “giậm chân tại chỗ” như dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 rộng hơn 55ha đã nhiều năm nay để hoang hóa.

Tấm biển giới thiệu to lớn được đặt ngay mặt đường nhưng phía bên trong gần như không có xây dựng, triển khai bất kỳ thứ gì ngoài một vài tấm tôn được bao bọc xung quanh và vài trăm mét đường đang xây dựng nham nhở.

Tương tự, dự án khu nhà ở Minh Đức với quy mô hơn 17ha (xã Tiền Phong) cũng chưa thấy xuất hiện đâu những căn nhà sau 10 năm giao đất.

Hay từng được mệnh danh là siêu dự án có khả năng thay đổi bộ mặt huyện Mê Linh - Hà Nội song tính đến thời điểm hiện tại dự án Khu đô thị Quang Minh của Cty CP Đầu tư xây dựng Long Việt vẫn vắng như chùa Bà Đanh.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận, hiện có 47 dự án phát triển bất động sản chưa được đầu tư vì liên quan tới nhiều vấn đề. Cái đầu tiên đó là nguồn vốn đầu tư của các chủ đầu tư.

Vừa rồi huyện cũng đã đề nghị với thành phố làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để các doanh nghiệp phải vào để đầu tư. Các doanh nghiệp có đầu tư vào các đô thị thì mới có doanh nghiệp về đó để phát triển dịch vụ được.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay huyện cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất dịch vụ. Đất dịch vụ là cơ chế của Vĩnh Phúc ngày xưa. Từ năm 2008 là giao đất về Hà Nội. Cái vướng mắc nhất hiện nay đó là cơ chế, cách thức bàn giao đất thế nào. Việc này huyện cũng đang có báo cáo thành phố để tìm giải pháp khắc phục.

TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho biết tại khu vực Mê Linh khi đang thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm khoảng hơn 10 năm về trước, thị trường bất động sản đang nóng nên có nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Với hy vọng có khu công nghiệp ở Mê Linh phát triển, sẽ có nhiều khách hàng tạo nên thị trường năng động.

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu của khách hàng không nhiều tại đây. Do vậy, sau nhiều năm, khá nhiều dự án còn chưa được triển khai, để hoang hóa. Trong việc này cần phải nhìn nhận và xem xét lại mặt quy hoạch, từ đó đánh giá vấn đề để tránh tình trạng lãng phí.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Phải khẳng định, sau 10 năm mở rộng Hà Nội, có sự phát triển diện tích nhà ở mạnh mẽ, gần đây có thống kê, một năm Hà Nội xây dựng được 11 đến 12 triệu mét vuông nhà ở. Như thế diện tích nhà ở tăng rất nhiều, nhiều người đổi đời từ đây.

Tuy nhiên, có thất bại là phát triển đô thị bị động. Thứ nhất, về mặt môi trường sinh thái, ngập lụt thì mỗi năm nhiều hơn, bế tắc hơn, không gian cây xanh mặt nước ít đi, không gian thoát nước hẹp lại, không gian công cộng không phát triển tương ứng với số lượng dân cư.

Về mặt giao thông, ngày càng tắc nghẽn nhiều hơn, càng mở rộng đường thì càng tắc, khu lõi trung tâm và ngoại ô giao tiếp càng khó khăn.

Như vậy, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội từ thành phố khó khăn bình thường thì giờ thành vấn nạn như lãnh đạo thành phố nói “thấy thảm hoạ đến mà không biết làm cách nào”. Tóm lại, thực trạng đô thị băm nát. Vậy khi nhìn nhận về việc mở rộng địa giới hành chính có thể gọi không thành công, nhưng nói cách khác là thất bại. THÔNG CHÍ ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại