10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết

J |

Bạn biết không, ngụy biện thực ra không phải thứ gì đó quá xa xôi, mà đôi khi chúng ta dùng mà không hề hay biết.

Ngụy biện - trong tiếng Anh gọi là fallacy! Theo quan niệm thường thấy, đó là cách chúng ta đưa ra lý do để bào chữa cho những cái sai rõ rành rành của bản thân.

Chẳng ví dụ đâu xa, đó là vấn đề vứt rác bừa bãi. Có người quăng rác ra đường, bị nhắc nhở thì gân cổ lên: "Đầy người cũng làm vậy, có sao đâu?". Đó chính là một kiểu ngụy biện thường gặp.

Nhưng thực ra, ngụy biện là một phạm trù rộng hơn thế. Đó là những cách lập luận quanh co, phản logic nhằm khiến người khác phải hiểu sai sự thật. Tuy nghe có vẻ... đau não, nhưng nó lại không quá phức tạp, đâm ra nhiều lúc chúng ta đã ngụy biện mà không hề biết là mình ngụy biện.

Vấn đề ở đây là ngụy biện thì sao chứ? Trên thực tế, ngụy biện là một lỗi rất lớn trong tranh luận. 

Nó khiến con người ta tư duy theo lối mòn, lập luận thiếu sắc bén, vô căn cứ, hay... "cả vú lấp miệng em", và thường đuối lý mà không biết rằng mình đang đuối lý, để rồi cuối cùng nói những lời có phần xúc phạm người khác. 

Đó cũng chính là lý do chúng ta lại có thuật ngữ "anh hùng bàn phím", ám chỉ những thanh niên tay gõ ra toàn những lời lẽ thiếu căn cứ, mang tính xúc phạm là chủ yếu.

Và dưới đây sẽ là những kiểu ngụy biện mà nhiều người trong chúng ta rất hay sử dụng mà không hề hay biết.

1. Ngụy biện công kích (ad hominem)

Đây là kiểu ngụy biện tấn công vào đối thủ tranh luận, thay vì sử dụng logic, đưa ra những lập luận chặt chẽ. Và vấn đề ở đây cái họ sử dụng để nguỵ biện lại chẳng liên quan gì đến chủ đề đang tranh cãi.

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Ví dụ như sau: A và B cãi nhau về một bài toán.

"A: 1 + 1 = 2

B: Mày ngu thật. 1 + 1 = 3 hiểu không?".

Ở đây ta không bàn đến tính đúng sai của bài toán, nhưng B đã sử dụng ad hominem nhằm công kích vào A và để chứng minh luận điểm của mình đúng. Tuy vậy, lập luận như thế hoàn toàn thiếu logic và không có giá trị chứng minh rằng A sai.

2. Ngụy biện "Anh cũng vậy" (Tu Quoque fallacy)

Đây chắc chắn là một kiểu ngụy biện nhiều bạn cảm thấy quen thuộc, vì ví dụ nổi bật nhất là câu: "Làm được như người ta đi rồi hẵng nói". Thử rảo qua một vòng comment Facebook, Youtube, Twitter, những câu bình luận kiểu này nhiều như quân Nguyên.

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 2.

 Rượu bia là không tốt nha mấy đứa - thế thì bỏ cái chai xuống đi cha nội

Ví dụ như sau trận chung kết Champion League 2015 vừa qua. Giờ mà có ai "trót dại" chê Ronaldo đá chán là y như rằng ăn mưa gạch đá, và trong đó chắc chắn có câu trên. 

Tuy vậy, việc không làm được như vậy thực chất không ảnh hưởng đến chuyện Ronaldo đá hay hay đá dở. Ronaldo có thể đá rất hay, nhưng cách tranh luận như vậy không giúp anh ta đá hay hơn trong mắt người chê dở.

Tương tự, ví dụ ở đầu bài: "Đầy người làm vậy có sao đâu" cũng là kiểu ngụy biện "Anh cũng vậy".

3. Ngụy biện "Không đủ thẩm quyền"

Ví dụ bạn đi nghe nhạc, bạn thấy bài hát đó chán, bạn phàn nàn rồi nhận lại câu nói: "Biết gì về âm nhạc mà phán".

Đây chính là một kiểu ngụy biện. Việc có biết gì về nhạc hay không chẳng ảnh hưởng đến chuyện bạn biết cảm nhận cái hay, cái dở của âm nhạc cả.

4. Chửi thề

Chửi thề cũng là một kiểu ngụy biện, có điều nó là kiểu ngụy biện thể hiện sự bất lực của người tranh luận. Người này chẳng cần luận điểm, logic gì hết, đuối lý là chửi luôn.

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 3.

5. Ngụy biện bù nhìn (straw man)

Là cách bóp méo, xuyên tạc quan điểm hay phát biểu của người khác biến nó thành một ý nghĩa hoàn toàn khác. Chẳng hạn như:

A: Cái biển báo này đặt ở đây là không cần thiết.

B: Nếu mọi người đều đi thế nào cũng được, tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra.

Rõ ràng, luận điểm của B đã bẻ cong ý của A thành "biển báo là không cần thiết ở tất cả mọi nơi", và rồi tấn công luận điểm của A bằng câu: tai nạn sẽ xảy ra.

6. Ngụy biện nặc danh (anonymous authority)

Kiểu ngụy biện này khá là phổ biến hiện nay. Trong đó, người dùng thường không nêu đích danh người có thẩm quyền, mà thậm chí có nêu thì người khác cũng không thể kiểm chứng được.

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 4.

Ví dụ như: Một viên chức chính phủ cho rằng... Nhưng viên chức này là ai, chức vụ ở đâu, chẳng ai kiểm chứng được cả.

7. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc (emotional appeal fallacy)

Là kiểu nguỵ biện sử dụng cảm xúc của đối phương để khai thác, trong đó chủ yếu là lòng trắc ẩn.

Ví dụ: Đừng phạt em. Tháng này em bị phạt quá nhiều rồi - thanh niên X chia sẻ sau khi vượt đèn đỏ.

8. Ngụy biện đen trắng (Black or white fallacy)

Đây là kiểu ngụy biện tự phân định câu trả lời xuống chỉ còn 2 lựa chọn, hoặc trắng, hoặc đen, dù trên thực tế có nhiều lựa chọn hơn.

Ví dụ: Yêu hay không yêu trả lời luôn? Không có bạn bè gì hết!

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 5.

 Không yêu giả dép cho bố đi về

9. Ngụy biện lợi dụng đám đông (appeal to the people)

Kiểu ngụy biện này lợi dụng quan niệm: Số đông luôn đúng - quan điểm, lý lẽ nào được số đông ủng hộ thì nó phải đúng.

Ví dụ: 1 + 1 = 3, cả lớp đều nghĩ vậy thì ắt nó phải đúng. Mày ra 2 hả, sai rồi.

10. Ngụy biện đe dọa (ad baculum)

Đây thực chất là một kiểu đe dọa, gần giống như ngụy biện chửi thề. Nó nhằm mục đích gây áp lực, bắt người khác phải chấp nhận luận điểm, giống như câu: "Chân lý thuộc về kẻ mạnh".

10 kiểu ngụy biện chúng ta vẫn đang dùng mà không hề hay biết - Ảnh 6.

Ví dụ: A: Rùa hồ Gươm không quý hiếm

B: Theo quan điểm của giáo sư X, sách Y, đài Z... rùa hồ Gươm là loài quý, chỉ còn một vài cá thể trên toàn thế giới.

A: Nói câu nữa đấm vào mồm đấy.

Nguồn: Logical Fallacies, Literacy Education Online

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại