10 điều giác ngộ của người thành công

Như Quỳnh |

Gieo một hành vi, gặt một thói quen; gieo một thói quen, gặt một tính cách; gieo một tính cách, gặt một đời người.

1. Lương thiện, là nền tảng cơ bản đời người

Một cuộc đời tốt đẹp, nhất định phải lấy lương thiện làm gốc rễ. Lòng tốt là nền tảng của một nhân cách đẹp. Một người tâm địa độc ác sẽ chỉ làm ra những việc xấu xa hoặc vô đạo đức, giống như cây thối từ rễ, nước vẩn đục từ nguồn.

Lòng tốt giống như một vùng đất màu mỡ và rộng lớn, chỉ trên những mảnh đất như vậy thì mầm non của sự lịch sự, khiêm tốn, thích giúp đỡ mọi người, biết lắng nghe... mới sinh trưởng và phát triển tốt tươi. Lòng tốt là mảnh đất tạo ra tất cả vẻ đẹp nhân cách của một người, là đạo đức quan trọng nhất của một người và cũng là diện mạo tinh thần đẹp đẽ nhất.

2. Lề lối, là nền tảng của thành công

Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường. Mọi việc bạn trải qua, những người bạn gặp, những cuốn sách bạn đọc, con đường bạn đi, tất cả đều ảnh hưởng tới lề lối cuộc đời bạn. Tầm nhìn quyết định lề lối, lề lối thành toàn nên một cuộc đời thành công.

Từ bỏ sự nóng nảy, từ bỏ sự lười biếng, quên đi "nhiệt huyết 3 phút", buông bỏ bộ não dễ bị phân tâm, buông bỏ đôi mắt dễ bị thu hút bởi những thứ không đâu, quên đi cái miệng chỉ giỏi nói, tịnh tâm lại, tập trung vào việc mà bạn nên làm, đã tới lúc cần tới sự nỗ lực thực sự! Đôi khi, sau những nỗ lực, bạn sẽ phát hiện ra mình giỏi hơn so với mình nghĩ rất nhiều.

10 điều giác ngộ của người thành công - Ảnh 1.

3. Tự lập tự cường, vốn lập thân

Tự lập tự cường chính là không ngừng phấn đấu giành lấy bầu trời rộng lớn hơn cho bản thân.

Thời đại không ngừng thay đổi, vạn sự vạn vật mỗi khoảnh khắc đều trở nên mới mẻ, tự lập tự cường chính là luôn luôn trong trạng thái tiến bộ, không luôn không thỏa mãn với bản thân. Một người khôn ngoan là người theo kịp được với những thay đổi của thời thế, sửa những sai lầm của họ, đồng thời tạo ra những thành tựu mới, không ngừng trau dồi và nâng cao bản thân.

4. "Thủ thời", nắm bắt thời gian

"Thủ thời", có hai hàm nghĩa. Một hàm nghĩa là nắm bắt cơ hội, một hàm nghĩa là quản lý thời gian.

Nắm bắt cơ hội, ý muốn nói chúng ta cần phải căn cứ theo sự thay đổi của xu thế bên ngoài, nắm bắt thời cơ, thừa thắng xông lên, biến nó thành lợi thế. "Thời lai thiên địa hòa đồng lực, vận khứ anh hùng bất tự do", khi thời vận đến, ngày cả đất trời cũng hợp lực vào giúp bạn, nhưng một khi cơ hội đã đi qua, dù có là bậc anh tài tới đâu cũng khó mà xoay sở.

Quản lý thời gian cần chúng ta biết tận dụng, quản lý tốt quỹ thời gian của mình, làm nhiều những việc có ích, bớt làm mấy chuyện vô bổ không đâu lại. Tất cả những ai làm được hai điều này, thành công ắt trong tầm tay.

10 điều giác ngộ của người thành công - Ảnh 2.

5. Tham vọng và quyết tâm

Một cọng rơm, nếu vứt ở trên đường thì sẽ chỉ là rác; nếu buộc vào bắp cải, nó sẽ có giá của cây bắp cải; nếu buộc vào con cua, nó sẽ có giá của con cua. Điều này nói lên một điều rằng: một người, ở những môi trường và vị trí khác nhau, sẽ cho ra những giá trị khác nhau! Đây chính là tầm quan trọng của "vị", tức "vị trí".

Thừa tướng Lý Tư thời nhà Tần, Trung Quốc năm 26 tuổi vẫn chỉ là một tên lính quèn trông coi kho lương. Một hôm, khi đang đi vệ sinh, ông trông thấy một bầy chuột. Bầy chuột này tòa thân đen xì, gầy còm, bẩn thỉu, bốc mùi, khiến người khác cảm thấy kinh tởm.

Nhìn những con chuột này, Lý Tư bất giác nghĩ tới những con chuột trong kho lương. Những con chuột đó người vừa béo, lông vừa mượt, cả ngày ung dung tự tại trong kho thóc, nếu đem so sánh với mấy con chuột trong nhà vệ sinh thì quả là một trời một vực.

Lúc này, Lý Tư bỗng nghĩ "đời người giống như những con chuột, không ở trong kho lương thì sẽ ở nhà vệ sinh, vị trí khác nhau, vận mệnh cũng khác nhau. Bản thân làm một tên lính quèn ở một huyện nhỏ chẳng khác nào những con chuột trong nhà vệ sinh này". Vậy là, ngay sau đó, ông chạy đi tìm Tuân Tử học thuật Đế vương. Sau này, Lý Tư thay thế Lã Bất Vi trở thành thừa tướng của nước Tần.

6. Giả ngốc

Lão Tử nói với Khổng Tử rằng "Một thương nhân khôn ngoan rất biết cách che giấu hàng hóa và tiền tài của mình, bên ngoài trông anh ta giống như một người không có gì trong tay; một người quân tử phẩm hạnh cao đoan rất biết cách cất giấu tài đức của mình, bên ngoài lại trông giống như một kẻ ngốc.

Ngươi phải biết cách vứt bỏ đi sự kiêu ngạo và dục vọng, có như vậy mới có thể trở thành thánh nhân". Đây chính là cái gọi là "đại trí nhã ngu", người thông mình là người biết giả ngốc.

Giả ngốc chính là khiêm tốn. Con người khi đạt tới một đỉnh cao nào đó phải khiêm tốn, đừng cho rằng mình "cao", bởi lẽ núi cao còn có núi cao hơn, nơi cao nhất chính là nơi bình phàm nhất, thứ bình phàm nhất chính là "khiêm".

10 điều giác ngộ của người thành công - Ảnh 3.

7. Sửa sai

Con người từ lúc sinh ra cho tới khi mất đi là một quá trình tích lũy những sai lầm của bản thân, những lỗi lầm này hình thành nên "thế", những "thế" xấu này sẽ không ngừng gặm nhấm vận may của chúng ta.

Thực ra, ai cũng biết lỗi sai của mình, nhưng không mấy người đủ dũng khí và quyết tâm đi sửa sai, đây cũng là lý do giải thích càng là kẻ thất bại càng thích nuông chiều, buông thả bản thân, họ không thể khống chế thói quen mắc sai lầm của mình.

Gieo một hành vi, gặt một thói quen; gieo một thói quen, gặt một tính cách; gieo một tính cách, gặt một đời người.

8. Thiên biến vạn hóa

Nhân sinh vô thường, xã hội thay đổi, tiên tiến mỗi phút mỗi giây, người thức thời là người "thiên biến vạn hóa", luôn theo kịp được bước tiến của thời đại, không bảo thủ, cố chấp với những quan điểm cũ, nhanh chóng hòa nhập được với trào lưu hiện đại.

Áp dụng những phương thức xử thế thích hợp một cách linh hoạt theo dòng chảy thay đổi của vạn vật, của thời đại, không "cố định bất biến", những người như vậy tuyệt đối không bao giờ bị mắc kẹt hay bỏ lại.

10 điều giác ngộ của người thành công - Ảnh 4.

9. Tự tin

Con người, quý tại tự tin. Người tự tin luôn có thể nắm bắt và giải quyết tình huống một cách nhẹ nhàng. Đời người chỉ cần giương lên cánh buồm tự tin là sẽ có thể cưỡi mây lướt sóng, không ngừng tiến về phía trước. Tự tin được hình thành dựa trên sự nhận thức đúng đắn về bản thân, là biểu hiện của thực lực, sức mạnh và một tâm thái tốt.

Người tự tin luôn cho thấy sự tự lập, tự chủ, tự cường, gặp chuyện dám đứng lên làm chủ, có khả năng làm chủ vấn đề, không dựa dẫm vào ai; gặp khó khăn và vấp ngã, không khóc lóc, dám đứng dậy làm lại; gặp cám dỗ không lay chuyển, mạnh mẽ và quyết đoán.

10. "Nan trinh"

Trong "Kinh dịch" có nói: "vô bình bất bi, vô vãng bất phục, nan trinh vô cữu". Bi nghĩa là dốc. Câu nói này có nghĩa đất bằng và sườn dốc đôi khi có thể biến thành nhau, có đi ắt sẽ có lại.

Nan, trinh là hai từ, nan là khó khăn, vấp váp tới từ môi trường bên ngoài; trinh là phẩm hạnh, sự trong sáng, cái tâm "bản thiện" bên trong của người quân tử. Người quân tử trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ vẫn có thể giữ được cái tâm và phẩm hạnh của mình, anh ta chắc chắn sẽ thoát được ra khỏi rắc rối và giành lấy được may mắn cho mình.

Thế gian này luôn thay đổi từng giờ từng phút, tuần hoàn qua lại lẫn nhau, đất bằng vào một thời điểm nào đó sẽ biến thành sườn dốc, nghĩa là khó khăn và nghịch cảnh sẽ không ngừng biến hóa, không ai có thể may mắn được cả đời, cũng không ai cả đời này đều sẽ đen đủi.

Khó khăn và vấp ngã tuy là điều khó tránh khỏi, nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì và giữ được cái "bản thiện" chính trực của mình thì mọi sườn dốc đều có thể biến thành những con đường bằng phẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại