Kiềm chế cảm xúc tiêu cực luôn là vấn đề khó nhằn trong cuộc sống, nhất là đối với trẻ em- những đối tượng khó làm chủ được suy nghĩ khi cơn giận lấn át. Biểu hiện khi trẻ mất bình tĩnh là buồn bực, la hét, cáu gắt, khóc lóc hoặc im lặng. Lúc này, việc làm quan trọng đầu tiên bạn cần làm chính là giúp con ổn định tâm lý thay vì than vãn, quát mắng hay trách móc trẻ.
1. Cha mẹ cần giữ bình tĩnh
Cha mẹ cần giữ bình tĩnh, tốt nhất là không la mắng hay quát nạt trẻ nhỏ. Điều này có thể tuy khó nhưng không phải không thể thực hiện. Hãy nhớ, trẻ nhỏ không thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình, vì vậy muốn trẻ bình tĩnh thì bạn phải bình tĩnh, thậm chí phải bình tĩnh hơn trẻ.
2. Trò chuyện cùng trẻ
Thay vì tỏ ra khó chịu, cha mẹ nên cố gắng tiếp cận cảm xúc của trẻ. Điều này giúp bạn xác định được nguyên nhân nào khiến trẻ trở nên tức giận và mất bình tĩnh. Thay vì bực bội vì trẻ tức giận, hãy cố gắng tìm hiểu xem tại sao trẻ lại hành động như vậy. Hãy kiên nhẫn và theo dõi tình hình như một người ngoài cuộc.
3. Sử dụng một vài câu chuyện để dạy trẻ
Các mẹ có thể sử dụng những câu chuyện như một công cụ giảng dạy. Trẻ nhỏ bị thu hút bởi những câu chuyện, khiến chúng trở thành một trong những công cụ nuôi dạy con hiệu quả nhất của phần lớn các bà mẹ. Sử dụng các câu chuyện để giúp trẻ học cách điều tiết cảm xúc. Ví dụ, bạn có thể kể những câu chuyện về một đứa trẻ gặp nạn ở giữa siêu thị hoặc về cách một đứa trẻ chạy quanh sân để lấy lại bình tĩnh.
Hãy ôm con vào lòng khi con mất bình tĩnh
4. Nhập vai vào các câu chuyện
Lắng nghe những câu chuyện là một chuyện, nhưng tích cực tham gia vào những câu chuyện lại là một chuyện khác. Nhập vai vào một câu chuyện giúp trẻ có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Bằng cách sử dụng trò chơi giả vờ, cha mẹ nhẹ nhàng thúc đẩy con cái họ cảm nhận được những cảm xúc khác nhau.
Ví dụ, bạn có thể diễn cảnh bạn liên tục lấy một món đồ chơi khỏi con bạn. Trong tình huống đó, trẻ có thể cảm thấy khó chịu, mặc dù trẻ biết bạn chỉ đang giả vờ. Tuy nhiên, việc đóng vai sẽ giúp trẻ có cơ hội thực hành giải quyết sự thất vọng của mình một cách hiệu quả.
5. Hãy yêu cầu trẻ ngồi xuống và giao tiếp
Hãy yêu cầu trẻ ngồi xuống, hít thở thật sâu khi trẻ đang tức giận hoặc nổi cáu để trẻ lấy lại bình tĩnh.
Sau đó hãy giao tiếp với trẻ. Bởi giao tiếp cởi mở, trung thực và phù hợp với sự phát triển của trẻ là cách mà chúng ta bước vào được thế giới của trẻ. Chúng ta sẽ hiểu được trẻ đang nghĩ gì, cảm thấy thế nào đồng thời đưa ra hướng giải quyết phù hợp, giúp trẻ lấy lại cân bằng, bình tĩnh trước mọi tình huống.
6. Cho trẻ nghe một nhạc điệu mà trẻ thích
Trẻ sẽ cảm thấy vui tươi hơn khi được nghe giai điệu mà trẻ thích, điều này cũng giúp trẻ tĩnh tâm hơn. Nên cho trẻ nghe những loại nhạc êm dịu, và đừng nói gì cả khi trẻ đang lắc lư theo điệu nhạc. Hãy hỏi chuyện khi trẻ được thư thái đầu óc.
7. Ôm trẻ vào lòng
Trẻ cảm thấy an toàn và bớt lo lắng hơn khi được bạn ôm vào lòng. Hoặc không, bạn có thể đưa cho trẻ thú nhồi bông hoặc vật nuôi mà trẻ yêu thích để trẻ được cảm thấy sẻ chia, an ủi.
8. Hướng trẻ đến những hoạt động khác
Bạn có thể kể một vài câu chuyện hoặc cho trẻ xem chương trình truyền hình mà trẻ yêu thích nếu trẻ đang sợ hãi hoặc lo lắng điều gì đó. Hoặc có thể cho trẻ chơi đồ chơi hay tham gia vào một hoạt động thể thao nhẹ nhàng. Trẻ sẽ vơi bớt nỗi sợ hãi khi tham gia vào những hoạt động này.
Đừng ''đổ thêm dầu vào lửa'' khi con đang tức giận
9. Bỏ mặc cảm tội lỗi ở trẻ
Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm và trẻ cũng vậy. Thay vì cố chấp, la mắng hãy chấp nhận và tha thứ cho những điều đã diễn ra. Bằng cách này không chỉ bạn cảm thấy hạnh phúc hơn với tư cách là cha mẹ mà còn chứng minh cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc nhận ra những sai sót khi phán xét cũng như sự tha thứ.
Chúng ta cần học cách xin lỗi trẻ khi đánh giá sai một tình huống hoặc có phản ứng quá vội vàng. Và trẻ cũng sẽ học theo bạn những điều đó.
10. Chú ý đến hoạt động của trẻ
Trên trang LifeHacker Offspring, Geoffrey Redick từng nói: "Giờ chơi của con là thời gian dành cho Facebook của cha mẹ".
Nghe có vẻ mỉa mai nhưng sự thực là cha mẹ thời nay đã bỏ qua rất nhiều cơ hội dành cho con cái chỉ để thỏa mãn sở thích của riêng mình. Hãy thử đặt ra tình huống, khi bạn đang dán mắt vào điện thoại thì con bạn khóc thét lên với một cái đầu gối bị rớm máu. Lúc này, đứa trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu vì chúng nghĩ đã bị bỏ rơi.
Vì vậy, hãy chú ý đến hoạt động của trẻ nhiều hơn để luôn trong trạng thái sẵn sàng khi bất ngờ có vấn đề xảy ra.
Nguồn: Vinmec, LifeHacker Offspring