Chàng trai trẻ tử vong vì cắt móng chân
Tiểu Dương, 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã xin vào một nhà máy ở Tô Châu, Trung Quốc để học việc. Cậu được sắp xếp làm trong khối sản xuất và phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày.
Nhà máy Tiểu Dương làm việc chỉ có quạt chứ không có điều hòa, khiến Dương ra rất nhiều mồ hôi, đặc biệt là chân luôn phải mang giày kín. Mặc dù vậy, Dương làm việc rất chăm chỉ và chưa bao giờ kêu than lấy một lời.
Chàng thanh niên trẻ luôn cố gắng để có một tương lai tốt đẹp hơn nhưng không ngờ, cuộc đời của cậu lại quá đỗi ngắn ngủi. Một ngày nọ, Dương cắt móng chân sau giờ làm việc và vô tình cắt phải đầu ngón chân cái của bàn chân phải. Vết thương không quá to, chỉ bé bằng hạt gạo nên cậu cũng phớt lờ đi.
Tới ngày thứ 2 sau khi tan làm, ngón chân cái chỗ hôm qua bị thương của Dương có chút sưng đỏ lên, nhưng Dương vẫn bỏ qua. Sang ngày thứ 3 sau giờ làm, Dương cảm thấy chân khá đau và phải đi khập khiễng. Ngoài ra, Dương còn cảm thấy chóng mặt, ớn lạnh.
Đồng nghiệp của cậu thấy vậy liền khuyên Dương tới bệnh viện để thăm khám nhưng chàng trai trẻ vẫn chủ quan rằng đó là vết thương nhỏ, chỉ cần sát trùng và băng bó là được.
Sang ngày thứ 4, Dương cảm thấy lạnh run, sốt cao, tức ngực, tim đập nhanh, ngón chân cái sưng đỏ tới tận gót chân. Đồng nghiệp của cậu cảm thấy không ổn nên gọi cấp cứu đưa Dương tới Bệnh viên số 1 thuộc Đại học Tô Châu.
Trên đường tới bệnh viện, Dương đã rơi vào trạng thái mê sảng. Sau khi đưa tới phòng cấp cứu kiểm tra, căn cứ vào kết quả ban đầu, các bác sĩ cho biết nhịp tim của Dương là 180 lần/phút, 2 lá phổi căng phồng có xuất hiện một lớp màu trắng, bạch cầu 50.000/mm3 (người bình thường từ 4.000 – 10.000 mm3).
Sau khi tìm hiểu qua về tình hình của bệnh nhân, bác sĩ Vương – người cấp cứu cho Dương – kết luận Dương có dấu hiệu bị nhiễm trùng rất nặng, trường hợp này rất nguy kịch và cần phải chuyển sang phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Tại đây, bác sĩ Vương đã sử dụng kháng sinh phổ rộng loại mạnh để điều trị cho Dương. Tuy nhiên, tình trạng của Dương vẫn không khởi sắc.
Ban đêm, cơ thể của Dương xuất hiện dấu hiệu của bệnh sốc nhiễm trùng như tụt huyết áp, chân tay lạnh, nước tiểu ít. Với tình trạng này, cơ thể Dương cần một lượng lớn dịch truyền tĩnh mạch và thuốc co mạch để giúp lưu thông các mạch máu.
Sang ngày thứ 2, bệnh tình của Dương càng chuyển biến xấu hơn. Dương bị suy hô hấp, ho ra đờm có màu trắng đục xen lẫn máu đỏ tươi. Lúc này, các bác sĩ nhanh chóng gây mê, đặt một ống nội khí quản có nối liền với ống thở oxy vào khí quản của Dương để thông khí và hút đờm còn ứ đọng trong đường hô hấp của Dương.
Sau 3 ngày, cuối cùng các bác sĩ cũng tìm ra nguyên nhân khiến bệnh tình của Dương ngày càng nguy kịch: một loại vi khuẩn Gram dương được gọi là Staphylococcus aureus.
Bác sĩ cho dương sử dụng vancomycin (một loại thuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng).
Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ cũng áp dụng những phương pháp tốt nhất có thể để cứu sống Dương.
Tuy nhiên, sự lây nhiễm đã lan ra khắp cơ thể. Theo kết quả chụp X-quang, các khối u lan truyền nhanh chóng ở phổi và gan.
Sang tuần tiếp theo, ngoài sự nhiễm trùng, Dương còn mắc bệnh tràn khí màng phổi, các cơ quan như gan, thận và não đều bị suy giảm chức năng.
Cuối cùng, mặc dù được điều trị tích cực nhưng Dương vẫn không qua khỏi và kết thúc cuộc đời ở độ tuổi 19.
Nhiễm trùng huyết: Kẻ giết người kinh khủng ung thư và AIDS cộng lại
Căn bệnh mà Tiểu Dương mắc phải chính là sốc nhiễm trùng, một tình trạng biểu hiện trầm trọng của bệnh nhiễm trùng huyết.
Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao từ 20-50%. Theo thống kê, tại Mỹ, mỗi 2 phút trôi qua sẽ có 1 người chết vì căn bệnh nhiễm trùng huyết, nhiều hơn số người tử vong do ung thư và AIDS cộng lại.
Căn bệnh này thường xảy ra khi những vi sinh vật có hại như vi khuẩn, vi rút, nấm,.. giải phóng những chất hóa học vào máu để chống lại các phản ứng viêm.
Những phản ứng này dẫn đến sự thay đổi hàng loạt trong cơ thể, từ đó gây tổn thương các cơ quan như gan, thận, phổi và khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng.
Triệu chứng của bệnh là sốt cao, rét run, nhịp tim nhanh. Đặc biệt, khi ổ nhiễm khuẩn giải phóng ra các loại độc tố, bệnh nhân lúc này sẽ các biểu hiện như tụt huyết áp, suy đa tạng, rối loạn hô hấp.
Cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng huyết
Bác sĩ Vương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp như Tiểu Dương trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trường hợp của Tiểu Dương rất đáng tiếc vì cậu có thể vẫn còn sống nếu làm sạch vết thương của mình sớm hơn và thay thế đối giày cũ nát bằng một đôi giày mới sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, nếu Tiểu Dương nhập viện ngay sau khi có những biểu hiện ban đầu như chóng mặt, vết thương sưng tấy thì chàng trai trẻ có thể thoát khỏi nguy hiểm do bệnh nhiễm trùng huyết gây ra.
Theo Sohu