Cơm là thực phẩm chính mà chúng ta không thể thiếu hằng ngày. Tuy nhiên, cơm lại thuộc nhóm tinh bột với chỉ số đường huyết cao (GI = 83) nên sau khi ăn rất dễ tăng đường huyết. Với những người có lượng đường trong máu cao, việc ăn quá nhiều cơm cũng có thể trở thành nguyên nhân chính khiến bệnh tình trở nặng. Do đó, việc kiểm soát đường huyết là điều vô cùng quan trọng với nhóm người này. Dẫu vậy, người bị bệnh tiểu đường không nhất thiết phải loại bỏ cơm trắng ra khỏi thực đơn mỗi ngày, thay vào đó, có một cách có thể giúp họ ăn cơm nhưng vẫn giảm được lượng đường trong máu cao trong vòng vài phút sau khi ăn.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí dinh dưỡng Nutrition Journal đã chứng minh điều đó. Theo đó, nghiên cứu này thực hiện trên 17 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 từ 35-70 tuổi đang điều trị bằng thuốcđiều trị tiểu đường metformin hoặc chế độ ăn kiêng, tập thể dục, với 3 công thức ăn sáng gồm: cơm với đậu cúc, cơm với đậu đen, cơm với đậu đỏ và chỉ cơm trắng.
Trong nghiên cứu này, lượng cơm và đậu trong mỗi công thức tương đương với 50 gram carbohydrate, ăn vào bữa sáng - sau 12 giờ nhịn đói qua đêm. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đo mức đường huyết của người tham gia tại thời điểm ban đầu và trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 180 phút sau khi ăn. Họ phát hiện ra rằng việc thêm đậu vào cơm có tác dụng tích cực đến lượng đường trong máu chỉ trong vòng vài phút.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng đường trong máu ở những người ăn cơm với đậu "thấp hơn đáng kể" so với những người chỉ ăn cơm ở 3 thời điểm 90, 120 và 150 phút sau khi ăn. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc ăn cơm với đậu cúc, đậu đỏ hoặc đậu đen làm sẽ giúp hạ đường huyết so với chỉ ăn cơm. Họ còn cho rằng đây là cách hữu hiệu để kiểm soát đường huyết không dùng thuốc.
Không chỉ hạ đường huyết, việc thêm các loại đậu, đặc biệt là đậu đen, đậu đỏ vào cơm còn mang lại những tác dụng sau cho sức khỏe:
1. Dưỡng thận
Theo các nghiên cứu, đậu đỏ được xếp vào danh sách các loại thực phẩm rất tốt cho thận, có tác dụng giúp điều chỉnh chức năng của thận và khôi phục sự cân bằng chất ẩm có trong thận. Trong đậu đỏ chứa chất saponin, có tác dụng lợi tiểu mạnh. Ngoài ra, loại đậu này còn giàu kali cũng có thể phát huy tác dụng lợi tiểu, có ích cho việc tiêu trừ phù thũng.
Bên cạnh đậu đỏ, Y học cổ truyền Trung Quốc từ xưa đã quan niệm ăn nhiều thực phẩm màu đen như đậu đen có thể bồi bổ thận khí. Trong khi đó, theo quan điểm của y học hiện đại, đậu đen chứa hàm lượng protein và hắc tố cao, có lợi cho việc bổ thận khí, tăng cường chức năng thận. Vì vậy, đậu đỏ và đậu đen được coi là sự kết hợp mạnh mẽ, có tác dụng tiêu thấp, tiêu sưng, dưỡng âm, bổ thận rất hiệu quả.
2. Bổ máu, dưỡng da
Đậu đỏ và đậu đen chứa nhiều sắt, có tác dụng tốt trong việc dưỡng huyết. Vì vậy, bổ sung kết hợp cả hai loại đậu này vào cơm sẽ giúp bổ máu, đủ khí huyết gấp đôi, khiến da mặt luôn hồng hào, rạng rỡ.
3. Mát gan
Không chỉ tốt cho thận, đậu đỏ và đậu đen còn rất tốt cho gan, giúp làm mát gan hiệu quả. Theo đó, đậu đỏ chứa nhiều vitamin B - thành phần có thể giúp gan được giải độc tốt nhất, kích thích nhuận tràng và thông ruột.
Trong khi đó, đậu đen là một loại hạt chứa nhiều vitamin và muối khoáng. Đặc biệt thành phần molypden trong loại đậu này là thành phần của loại enzyme sulfite oxidase có tác dụng hiệu quả cho quá trình giải độc sulfates cho gan. Vì vậy, đậu đen cũng là thực phẩm giúp mát gan và giải độc hiệu quả.
4. Bảo vệ tim mạch
Theo y học hiện đại, đậu đỏ chứa nhiều chất xơ thô, có tác dụng trong việc hạ huyết áp, lipid máu và cải thiện hoạt động của tim. Trong khi đó, các hoạt chất như lecithin, isoflavone đậu nành, saponin có trong đậu đen cũng giúp ích nhiều trong việc bảo vệ tim mạch. Kết hợp đậu đen và đậu đỏ hay thêm 2 loại đậu này với cơm chính là gợi ý tuyệt vời nếu bạn muốn có trái tim khỏe mạnh.
(Tổng hợp)