Moldova quyết định rút khỏi thỏa thuận với CIS
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 18/12 đưa tin, Quốc hội Moldova vừa bãi ước thêm 2 thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) - tổ chức gồm các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Nga và đồng minh hàng đầu Belarus.
Dịch vụ báo chí của cơ quan lập pháp Moldova cho biết, Ủy ban Nghị viện về Chính sách đối ngoại và Hội nhập châu Âu của nước này đã thông qua 2 đề xuất của Bộ Quốc phòng và Cơ quan an ninh Moldova.
Trong đó, Bộ Quốc phòng Moldova đề xuất rút khỏi thỏa thuận đối với các nhóm quan sát viên quân sự và lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể CIS (ký kết ngày 20/3/1992). Còn Cơ quan An ninh và Thông tin Moldova đề xuất từ chối hợp tác với các nước CIS trong lĩnh vực chống khủng bố.
Bộ Quốc phòng Moldova nhấn mạnh, nước này "không tham gia vào các vấn đề chính trị - quân sự trong CIS".
Trước đó, vào tháng 11 vừa qua, Moldova được cho là đã rút khỏi 7 hiệp ước quốc tế trong khối thịnh vượng chung CIS. Ngoài ra, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu thông báo rằng, nước này một lần nữa yêu cầu Nga rút lực lượng gìn giữ hòa bình của mình khỏi Transnistria (vùng ly khai từ Moldova).
Yêu cầu chính thức đối với Nga được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra tại Bắc Macedonia (khai mạc hôm 30/11).
"Nga nên rút quân khỏi khu vực Transnistria. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tiến đến giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Transnistria" – Ông Popescu tuyên bố qua bài đăng trên mạng xã hội.
Ngày 8/12, Thủ tướng Moldova Dorin Recean một lần nữa nhắc tới việc Nga phải rút quân.
"Bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề hòa giải đều phải bắt đầu bằng việc phi quân sự hóa, tức là các công dân Nga và quân nhân Nga phải rời đi, cả thiết bị quân sự của họ nữa" – Ông Recean nói nhấn mạnh.
Theo hãng thông tấn TASS, ngoài việc yêu cầu Nga rút quân, Moldova còn đề nghị thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình bằng phái đoàn dân sự theo sự ủy thác của quốc tế.
Điều khí tài hạng nặng tới sát Transnistria
Việc Moldova liên tục rút khỏi các thỏa thuận với CIS, yêu cầu Nga rút quân đang làm dấy lên những lo ngại về việc nước này chuẩn bị phát động "hành động quân sự" nhằm vào vùng ly khai Transnistria đang gia tăng.
Chủ tịch Hội đồng tối cao Transnistria Alexander Korshunov hôm 13/12 cho biết, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã không phản hồi bất cứ lời kêu gọi đối thoại của lãnh đạo Transnistria.
"Tất cả các cuộc gọi từ Transnistria về việc nối lại các cuộc họp chính thức đều bị phía Moldova chặn" – Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Korshunov cho hay.
Trong diễn biến mới nhất làm leo thang căng thẳng, Avia.Pro đưa tin, Moldova đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chuyên sâu. Sau khi kết thúc 6 ngày diễn tập chung với các binh sĩ Mỹ hôm 30/10, Bộ Quốc phòng Moldova tuyên bố tiến hành đợt tập trận mới từ ngày 17/12, với sự tham gia của Tiểu đoàn gìn giữ hòa bình số 22 Moldova.
Bộ Quốc phòng Moldova đã đưa ra cảnh báo về hoạt động gia tăng của các phương tiện quân sự trên đường phố, trấn an người dân không hoảng sợ.
Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày, bắt đầu gần khu vực tiếp giáp với Transnistria, điều này càng khiến chính quyền vùng ly khai thêm lo ngại.
Hãng tin ANNA News (Nga) gần đây dẫn lời ông Dmitry Soin, chính trị gia đồng thời là cựu nhân viên cơ quan an ninh Transnistria, cảnh báo: "Thời gian cho Transnistria độc lập sắp hết. Bị kẹt giữa Moldova và Ukraine, Transnistria có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng".
Ông Soin cho rằng, Ukraine có thể liên hợp cùng Moldova phát động hành động quân sự nhằm vào Transnistria để bù đắp cho những thất bại trong chiến dịch phản công trước Nga.
Hiện nay, ở Transnistria không chỉ có các công dân Nga, mà còn có cả lực lượng quân sự Nga. Hãng thông tấn TASS cho biết, Nga hiện đang triển khai 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Transnistria và canh gác kho chứa 20.000 tấn đạn dược mà Liên Xô để lại sau khi rút quân khỏi châu Âu.
Theo ông Soin, đây là lúc Nga phải hành động nhanh, dứt khoát và quyết đoán, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề Transnistria phải được giải quyết sớm theo hướng có lợi cho Moscow và các công dân Nga sống tại Transnistria.
Tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 19/12 cho hay, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Ukraine Pavel Rogovei mới đây tuyên bố, Ukraine sẽ không tham gia các cuộc đàm phán về tình hình Tranistria theo thể thức 5+2 do có Nga tham gia.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Nezavisimaya Gazeta, cựu Đại sứ Cộng hòa Moldova tại Nga Anatol Tsaranu cho biết, chính quyền Chisinau đang coi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Tranistria là "lá chắn cho nhóm quân sự bất hợp pháp của Nga".
Moldova tìm mua tên lửa chống Nga
Kênh truyền hình TV8 của Moldova ngày 18/12 dẫn lời Thủ tướng nước này Dorin Recean cho biết, Moldova cần hệ thống phòng không hiện đại để chống lại mối đe dọa từ Nga.
"Nếu Điện Kremlin quyết định tấn công chúng tôi, họ sẽ tấn công. Vậy thì tự vệ như thế nào? Chúng tôi không có hệ thống phòng không, tên lửa hay máy bay. Bước tiếp theo của chúng tôi sẽ là trang bị hệ thống phòng không dành cho cơ sở hạ tầng quan trọng" - Ông Recean nói.
Cũng theo vị Thủ tướng, Moldova sẽ mua một phần những thứ cần có để đảm bảo an ninh, phần khác sẽ được các nước EU và NATO cung cấp dưới dạng tài trợ.
Ông Recean nhấn mạnh, Moldova đang hợp tác với Romania và các nước khác để đảm bảo an toàn cho không phận quốc gia.
"Các nước phát triển hiểu tầm quan trọng của việc đầu tư vào an ninh, bởi đây là biện pháp bảo vệ các khoản đầu tư, và là công cụ quan trọng trong sự phát triển của nhà nước" - Ông Recean cho hay.
Trước đó, vào ngày 15/12, Moldova đã thông qua chiến lược an ninh, trong đó coi Nga là mối đe dọa chính, khiến việc tăng cường khả năng phòng thủ của Moldova trở thành một "mệnh lệnh chiến lược".
Với các động thái leo thang căng thẳng của Moldova, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng trước lên tiếng cảnh báo: "Moldova về cơ bản đã sẵn sàng trở thành nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến tranh hỗn hợp mà phương Tây tiến hành chống lại Nga".