Tờ South China Morning Post hôm 2/10 đưa tin, quân đội Pakistan mới đây tuyên bố rằng họ đã chuyển giao cho Azerbaijan lô máy bay chiến đấu JF-17 Block III đầu tiên - một phần của thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD bao gồm máy bay, các khóa huấn luyện và đạn dược, được ký kết hồi tháng 2 trong triển lãm quốc phòng quốc tế tại Baku, Azerbaijan.
Theo thông báo, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết sự hỗ trợ của Pakistan "sẽ là một bước dài" trong việc củng cố hợp tác quân sự hiện có giữa hai nước.
Quân đội Pakistan cho biết, máy bay chiến đấu JF-17 có khả năng thực hiện "nhiều nhiệm vụ chiến đấu" và cung cấp "sức mạnh không quân hiện đại" để củng cố "mô hình an ninh quốc gia" của Azerbaijan.
Thay vì Nga, Azerbaijan chọn máy bay Trung Quốc
Theo SCMP, Pakistan - quốc gia chiếm khoảng 60% lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc - có 161 chiếc JF-17 và khoảng 20 chiếc J-10C - máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 do Trung Quốc sản xuất được so sánh với F-16 của Mỹ - trong lực lượng không quân. Máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4.5 được Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô của Trung Quốc đồng phát triển và đã được Myanmar, Nigeria và Iraq tiếp nhận.
Justin Bronk - nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London – cho rằng Azerbaijan đã không lựa chọn phiên bản nâng cấp của dòng máy bay MiG-29 hoặc Su-30 của Nga.
Baku vốn là khách hàng truyền thống của ngành công nghiệp quốc phòng Nga và có 14 máy bay chiến đấu MiG-29 trong lực lượng không quân. Quyết định thay thế của Azerbaijan bằng việc đặt mua JF-17 của Trung Quốc "chắc chắn cho thấy sự suy giảm của ngành công nghiệp máy bay chiến đấu của Nga so với Trung Quốc trong 10 năm qua", Bronk cho biết.
"Ngay cả trước khi chịu tác động của lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau cuộc chiến tại Ukraine, các sản phẩm của Sukhoi và đặc biệt là Mikoyan [hai hãng sản xuất máy bay quân sự nổi tiếng của Nga] đã liên tục mất đi sức cạnh tranh với các máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt chỉ đơn thuần là đẩy nhanh quá trình đã tồn tại từ trước", Bronk nói.
Bronk lưu ý rằng, JF-17 "có khả năng tương thích với nhiều loại vũ khí không đối không và không đối đất hiện đại, và giao diện buồng lái hiện đại. Về hầu hết các khía cạnh khác, đây là một thiết kế máy bay chiến đấu hạng nhẹ không có gì nổi bật nhưng có nhiều chức năng".
"J-10C là một loại máy bay khác, trong các biến thể mới nhất của nó có thể so sánh trực tiếp với các biến thể F-16 và Gripen [Thụy Điển] mới nhất, và ở mức giá thấp hơn", Bronk cho biết. "Tuy nhiên, nó vẫn chưa muốn hoặc không thể cạnh tranh trực tiếp với các máy bay chiến đấu hạng nặng đắt tiền hơn như Typhoon [châu Âu], Rafale [Pháp], F-15EX [Mỹ], Su-35 [Nga] hoặc J-16 [Trung Quốc] về tầm bay, tải trọng và hiệu suất với tải trọng chiến đấu hỗn hợp."
Kostas Tigkos - giám đốc hệ thống nhiệm vụ và tình báo tại công ty tình báo quân sự toàn cầu Janes - cho biết, Azerbaijan gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thiết kế máy bay chiến đấu của phương Tây như Rafale, F-16 và Gripen.
"[Azerbaijan cũng có] mối quan hệ chiến lược ngày càng phát triển với Trung Quốc [và] mối quan hệ chiến lược truyền thống bền chặt với Pakistan", Tigkos nói.
"Vì máy bay được sản xuất tại Pakistan với các thành phần từ Trung Quốc, cũng như khả năng tương thích với vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các thiết bị điện tử khác, nên đây là chuỗi cung ứng an toàn hơn từ các quốc gia thân thiện và không có khả năng bị gián đoạn bởi bất kỳ lệnh cấm vận vũ khí nào của phương Tây", ông nói thêm.
Trung Quốc "có vị thế tốt" để tận dụng năng lực công nghệ ngày càng tăng
Theo Tigkos, Trung Quốc "có vị thế tốt" để tận dụng năng lực công nghệ ngày càng tăng của mình và cạnh tranh với Mỹ và các quốc gia NATO khác, cũng như Nga trên thị trường máy bay chiến đấu.
"Tuy nhiên, chúng có nhiều khả năng thay thế các đối thủ cạnh tranh [hoặc] các mẫu thiết kế của Nga ở một số quốc gia nhất định, nơi không thể tiếp cận các mẫu mới nhất của phương Tây", Tigkos nói.
SCMP đưa tin, trước cuộc xung đột với Ukraine, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã khiến nhiều khách hàng của nước này tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ 4.5, với các nhà thầu vũ khí Trung Quốc đặc biệt hướng đến Trung Đông, cạnh tranh trực tiếp với các đối tác phương Tây tại khu vực này.
Theo SCMP, Ai Cập được cho là đã có đơn đặt hàng đầu tiên hồi tháng 8 cho máy bay phản lực thế hệ 4.5 J-10C của Trung Quốc, mặc dù chưa có xác nhận chính thức nào về hợp đồng hoặc thông tin chi tiết từ Cairo hoặc Bắc Kinh.
Do các hạn chế từ Washington đối với việc mua bán vũ khí, Ai Cập đã phải vật lộn để thay thế đội bay chiến đấu F-16 cũ kỹ do Mỹ sản xuất, lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1980.
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Ai Cập khai mạc hồi tháng 9, Trung Quốc đã giới thiệu J-10 lần đầu tiên tại Châu Phi.
Trong năm nay cũng có báo cáo cho biết Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cân nhắc mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc, sau khi một quan chức quân sự cấp cao của UAE đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4.
Abu Dhabi đã đồng ý mua 50 chiếc F-35 - máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ - trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, để đổi lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Tuy nhiên, thỏa thuận vũ khí trị giá 23,4 tỷ USD đã bị bế tắc kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào năm 2021. Mỹ lo ngại về mối quan hệ công nghệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và UAE; trong khi Abu Dhabi đã trích dẫn "các yêu cầu kỹ thuật, hạn chế hoạt động có chủ quyền và phân tích chi phí-lợi ích" để đánh giá lại thỏa thuận.
Theo SCMP, với việc các lựa chọn từ Mỹ và Nga đều bế tắc đối với nhiều khách hàng tìm mua vũ khí, máy bay chiến đấu đa năng Rafale của Pháp đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất.
Ai Cập và UAE đã vận hành máy bay phản lực Rafale, cùng với các máy bay chiến đấu cũ của Mỹ; và vào tháng trước, Serbia - một đồng minh của Nga và là quốc gia châu Âu duy nhất vận hành hệ thống vũ khí của Trung Quốc - đã đồng ý thay thế phi đội MiG-29 của mình bằng 12 máy bay Rafale trị giá 2,7 tỷ euro.
Trung Quốc khó xâm nhập thị trường quan trọng
Richard Aboulafia, từ công ty tư vấn quản lý hàng không vũ trụ và quốc phòng AeroDynamic Advisory có trụ sở tại Mỹ, nhận xét rằng Azerbaijan "chưa bao giờ là một thị trường máy bay chiến đấu" và chỉ sở hữu "một số ít máy bay chiến đấu còn sót lại từ thời Liên Xô".
"Đối với tôi, điều đó có nghĩa là những máy bay [JF-17] này đang được cung cấp với ưu đãi rất hấp dẫn, bao gồm cả mức giá rất thấp và [hỗ trợ] tài chính của người bán", ông nói.
Aboulafia cho biết, sẽ "thú vị hơn nhiều" nếu Ai Cập mua J-10C, vì đây sẽ là "lần bán máy bay chiến đấu đột phá đầu tiên" của Trung Quốc sau khi "bị mọi người bỏ qua”, ngoại trừ Pakistan hoặc "các thị trường hoàn toàn không đáng kể".
Theo Aboulafia, một vấn đề "phức tạp" là thị trường máy bay chiến đấu Trung Đông "hiện đang khá im ắng".
"Hầu hết nhu cầu tăng đột biến đều diễn ra ở Viễn Đông và Châu Âu. Trung Quốc thực sự không thể tham gia vào bất kỳ thị trường nào trong số đó", ông nói.
"Máy bay phản lực của Trung Quốc trông hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh với các loại máy bay của phương Tây. Nhưng vấn đề là lý do chính để lựa chọn máy bay chiến đấu là để đảm bảo mối quan hệ chiến lược với người bán”, Aboulafia nói.
"Do đó, hạn chế lớn nhất của Trung Quốc đối với việc bán máy bay chiến đấu là thiếu các quốc gia vừa có quân đội đáng nể vừa muốn có mối quan hệ chiến lược với [Trung Quốc]", Aboulafia nhận định.