Vào ngày 22/7 vừa qua, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố điểm chuẩn theo phương thức kết hợp (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024). Theo đó, mức điểm chuẩn dao động từ 24,5-28,16 điểm. 1 trong 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Thương mại điện tử (TMĐT).
Cũng trong báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của trường ĐH Kinh tế quốc dân, TMĐT tiếp tục là ngành đạt tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất, 100%. Đa phần sinh viên tốt nghiệp làm việc cho tư nhân, số ít tự tạo việc làm hoặc làm cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Vậy ngành này cụ thể học gì và mức lương ra trường là bao nhiêu lại có nhiều cơ hội đến thế?
Ngành học khát nhân lực
Thương mại là ngành học thuộc khối ngành kinh tế, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch thương mại, thanh toán điện tử, marketing điện tử.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ước tính, TMĐT Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Trong khảo sát về TMĐT hàng năm của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng, tới 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Chính điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó khiến nhu cầu về nhân lực TMĐT ngày một gia tăng.
Theo đó 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và TMĐT.
Nhu cầu lớn song hiện nay, chỉ có 30% nhân lực ngành TMĐT được trải qua đào tạo chính quy, 55% đến từ các ngành đào tạo gần như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn 15% đến từ các ngành nghề khác. Như vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên theo học TMĐT là rất lớn.
Thậm chí chia sẻ trên truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, ngành TMĐT đang rất “khát” nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. “Nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa”, ông Hưng dự báo.
Sinh viên theo học ngành này sẽ được cung cấp những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, thành thạo trong việc phân tích, tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các kết quả, hiệu quả hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Từ đây, sau khi ra trường, cử nhân ngành TMĐT có thể làm việc tại các tập đoàn kinh tế, các tập đoàn, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, các cơ quan, tổ chức đại diện thương mại điện tử của Việt Nam và Quốc tế, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về kinh tế và quản trị kinh doanh,.. Thậm chí, cơ hội thành lập doanh nghiệp, tự tổ chức kinh doanh qua mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng mạng và công nghệ số là vô cùng rộng mở.
Mức lương hấp dẫn
Với nhu cầu tuyển dụng lớn, hiện nay nhiều công ty sẵn sàng chiêu mộ nhân sự học chuyên ngành TMĐT với mức lương hấp dẫn. Theo Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos công bố, mức lương cho một nhân sự vừa mới ra trường của ngành TMĐT dao động 300-500 USD/tháng (khoảng 7-12 triệu đồng). Các vị trí trưởng phòng sẽ có mức lương khoảng 1.500-10.000 USD/tháng (khoảng 38-250 triệu đồng). Với Giám đốc điều hành, mức lương có thể đạt đến 25.000 USD/tháng (khoảng 634 triệu đồng).
Chia sẻ trên truyền thông, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại cho biết sinh viên mới ra trường có thể đạt mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. Đối với trường hợp sinh viên tự thành lập doanh nghiệp, mở gian hàng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, hay thậm chí TikTok Shop hoặc tham gia dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu nhập có thể cao hơn mức trung bình từ 5 - 10 lần.
Hiện nay, ngoài trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhiều trường ĐH top đầu cũng đang đào tạo ngành học này, gồm: Trường Đại học Thương mại, Học viện Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.