Ẩm thực Việt Nam được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu tươi ngon và những loại gia vị đặc trưng như: Tiêu, mắm, gừng, tỏi, ớt,... Trong đó, có một loại gia vị được ví như ‘‘tinh hoa’’ giúp mang đến hương vị đậm đà cho nhiều món ăn. Đó chính là muối.
Muối từ lâu đã là gia vị không thế thiếu trong các món ăn hàng ngày của người Việt và rất nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ cần thiết trong việc chế biến thực phẩm, muối còn có những lợi ích đối với sức khỏe của con người. Theo Medical News Today, cơ thể cần muối để duy trì chức năng của hệ cơ và hệ thần kinh. Ngoài ra, các chất điện giải cần thiết trong muối như natri và clorua còn giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng của cơ thể.
Cần thiết là vậy song muối lại nằm trong danh sách những loại gia vị có thể gây hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Thậm chí, mức độ nguy hại của chúng còn được nhiều chuyên trang sức khỏe so sánh với rượu và bia.
Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,1 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến việc ăn thừa muối. Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình gần gấp đôi lượng khuyến cáo là 5g/ ngày. Các chuyên gia khuyên mọi người, đặc biệt là người mắc các bệnh mãn tính có yếu tố nguy cơ liên quan đến thừa muối cần phải giảm khoảng một nửa lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày.
Mặc dù là loại gia vị cần thiết trong bữa ăn hàng ngày, việc tiêu thụ quá nhiều muối vẫn có thể gây ra những tác hại cho cơ thể con người. Theo bác sĩ Phan Thị Bảo Nga (Bác sĩ dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế Becamex), ăn quá nhiều muối, chủ yếu là natri có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
‘‘Đối với thận, tiêu thụ muối quá nhiều có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, gây hại cho chức năng thận, và lâu dài có thể dẫn đến suy thận. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng có thể làm gan bị ảnh hưởng do mối liên hệ với các bệnh như gan nhiễm mỡ và viêm gan, đặc biệt khi người bệnh có những yếu tố nguy cơ khác’’ - BS.Phan Thị Bảo Nga nói thêm.
Chế độ ăn quá mặn, chứa nhiều muối có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Cụ thể, việc tiêu thụ nhiều muối khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích máu, từ đó tăng áp lực lên hệ tuần hoàn và cầu thận, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, còn được gọi là bệnh thận mạn tính.
Các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra việc hấp thụ lượng muối nhiều hơn mức cần thiết trong mỗi bữa ăn sẽ làm tăng huyết áp. Nguyên nhân là do natri làm cơ thể giữ lại nhiều nước hơn, làm tăng thể tích máu. Điều này làm tăng áp lực lên thành mạch máu, trong khi các mạch máu có thể co lại để điều chỉnh. Khi thể tích máu và áp lực trong mạch tăng, huyết áp cũng tăng theo. Tăng huyết áp lâu dài là yếu tố nguy cơ chính của các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và xuất huyết não.
Không những vậy, nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Gastric Cancer vào tháng 4 năm 2024 của Đại học Vienna (Áo) còn phát hiện sử dụng quá nhiều muối có thể làm tăng 41% nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Điều này được giải thích là vì sự hình thành nitrit và N-nitroso có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó tăng khả năng phát triển các tế bào ung thư tại dạ dày.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ hàng ngày nên dưới 5g chứa khoảng 2000mg natri (khoảng 1 thìa cà phê). Con số này bao gồm cả muối tự nhiên trong thực phẩm và muối thêm vào khi chế biến. Giảm lượng muối trong bữa ăn có thể giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và thận.
Bên cạnh đó, BS. Phan Thị Bảo Nga còn đưa lời khuyên không nên cắt giảm hoàn toàn muối, vì natri trong muối là khoáng chất cần thiết cho cơ thể để duy trì cân bằng dịch, chức năng thần kinh và cơ bắp. Điều quan trọng cần ghi nhớ là kiểm soát lượng muối vừa phải, tránh lạm dụng. Thay vì bỏ hoàn toàn, con người hãy giảm từ từ lượng muối và chọn những thực phẩm ít muối để bảo vệ sức khỏe.
‘‘Việc ăn uống cân đối, giàu rau xanh và trái cây, và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn là cách tốt nhất để duy trì lượng muối hợp lý trong cơ thể.’’ - BS. Phan Thị Bảo Nga nói.