Một nhà trị liệu gia đình từng nói: "Những nét tính cách, quan điểm sống, lối suy nghĩ và thói quen sinh hoạt của một người đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gia đình và cha mẹ, thậm chí nhiều điều trong số đó còn mang tính quyết định".
Gia đình là bến đỗ an toàn nhất của con trẻ, mọi chuyện cha mẹ làm đều là vì yêu thương con. Tuy nhiên có một số bậc phụ huynh có những hành vi tiêu cực dưới danh nghĩa tình yêu và gây tổn thương cho con cái họ. Đó là những bậc cha mẹ độc hại (Toxic parents).
Đặc biệt, có 1 kiểu người mẹ bề ngoài tưởng rất thấu hiểu con nhưng hành vi sau đó có thể ảnh hưởng đến con rất nặng nề.
Người mẹ khuyến khích con mở lòng tâm sự sau đó lại mỉa mai, trách móc
Kiểu người mẹ này muốn con cái cởi mở, thành thật nói với họ tất cả, đôi khi họ ép buộc và làm cho con cảm thấy tội lỗi nếu không muốn chia sẻ cảm xúc với mẹ. Nhưng sau khi chia sẻ với mẹ xong, cái mà con cái nhận được chỉ là tổn thương, vì mẹ lại dựa vào những chia sẻ đó để làm khổ sở con cái.
Có hai tình huống có thể xảy ra. Một là tất cả người thân, hàng xóm bạn bè của cha mẹ đều biết được vấn đề trẻ đang gặp phải do người mẹ đem chuyện đó đi phàn nàn mà không hề cảm thấy việc làm đó là sai trái.
Hai là thay vì cảm thông cùng nhau giải quyết vấn đề thì người mẹ lại lấy đó làm nguyên nhân để mắng chửi hoặc mỉa mai con cái. "Tại sao nó bắt nạt con mà không phải người khác"; "Chắc hẳn con đã nói gì nên mới bị tẩy chay"; "Con chẳng được tích sự gì, có chút chuyện vậy cũng không giải quyết được"... Có nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng những lời nói đó sẽ giúp trẻ "thức tỉnh" và nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng không, nó chỉ càng hủy hoại con cái nhanh hơn.
Cha mẹ thường xuyên chỉ trích, gạt bỏ cảm xúc của con có thể gây tổn hại về mặt tinh thần, khiến chúng cảm thấy thiếu thốn và không được đánh giá cao. Những lời chỉ trích và bác bỏ gần như mọi thứ của con cái có thể nuôi dưỡng cảm giác bất lực và bất an ở trẻ, có khả năng dẫn đến oán giận.
Hơn nữa, cha mẹ sử dụng các chiến thuật cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc lôi kéo để kiểm soát hành vi của trẻ có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ hai bên. Việc không tôn trọng ranh giới và sự độc lập của trẻ khi chúng còn nhỏ có thể khiến đứa trẻ trưởng thành xa lánh cha mẹ hơn vì chúng không thể thoát khỏi ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát của họ.
Những gì cha mẹ có thể làm để sửa sai là sự đồng cảm, thấu hiểu và củng cố tích cực để nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với con.
Khi trẻ muốn trò chuyện với bạn về những vấn đề cá nhân, hãy cố gắng bỏ qua công việc dang dở. Với trẻ, nếu bạn quan tâm câu chuyện ngay từ đầu đồng nghĩa bạn hoàn toàn có thể tin tưởng được. Bạn không nên đặt câu hỏi "Tại sao" vì thường khiến trẻ phòng thủ. Ví dụ câu hỏi "Tại sao con lại làm như vậy?" sẽ không hiệu quả bằng "Nếu là con, con sẽ làm thế nào?".
Khi trẻ trò chuyện với bạn, đôi khi đơn giản chỉ muốn tìm cơ hội trút bầu tâm sự và chưa cần lời khuyên. Sau đó, trẻ có thể tự mình tìm ra giải pháp. Điều này cũng giúp xây dựng sự tự tin, kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu chưa nghe hết chuyện hoặc chỉ chăm chăm đưa ra giải pháp cho vấn đề của con, bạn sẽ khiến trẻ cảm thấy kém cỏi. Bố mẹ luôn muốn chỉ đường dẫn lối cho con nhưng việc này có thể để sau.
Khi trẻ kể chuyện, trẻ cần người cùng chia sẻ cảm xúc trước tiên. Sau đó, khi con hỏi về lời khuyên hoặc khi đã bình tĩnh hơn, bố mẹ có thể cùng con tìm ra giải pháp.
Lắng nghe là quan trọng để giúp trẻ cởi mở. Thay vì nói, phụ huynh hãy chú tâm lắng nghe lời con. Nếu trẻ ngừng nói, bạn có thể hỏi thêm về câu chuyện nhưng giữ giọng điệu thoải mái, không mang tính thẩm vấn.
Khi ở bên con cái, chúng ta thực sự đang truyền tải giá trị cuộc sống của mình thông qua những hành động cố ý hoặc vô ý. Ngay cả thái độ của bạn đối với bạn đời và người thân, hay cách hòa hợp với bạn bè cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái.
Cha mẹ phải lưu tâm đến hành vi của mình và những ảnh hưởng của nó đối với con cái đã trưởng thành. Tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm nuôi dạy con cái có thể mang lại sự hỗ trợ có giá trị trong việc điều hướng những vấn đề phức tạp này và thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh hơn.