Những tranh cãi về giá trị của các lần chuyển nhượng lan đột biến lên tới hàng chục tỷ đồng trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì mới đây, một nhà vườn tại Phú Thọ đã tổ chức buổi đấu giá một kie lan có giá trị lên tới 11,7 tỷ đồng gây xôn xao.
Chủ nhân của kie lan đột biến này là chủ vườn lan Trương Quốc Chính (sinh năm 1984)- anh cũng là chủ nhân của chậu lan Bướm đại ngàn từng bán với giá 15 tỷ đồng gây xôn xao cộng đồng chơi hoa lan hồi đầu tháng 7 vừa qua. Hiện tại, anh này đang sở hữu một vườn lan với hàng chục loại quý, được cho là có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trong buổi phát trực tiếp (livestream Facebook) hôm 1/8, anh Quốc Chính tiết lộ kie lan được đem đấu giá là song sinh Bướm đại ngàn. Giá tối thiểu nhất người chơi trả cho kie lan là 50 triệu đồng.
Sau 12 tiếng đấu giá, đã có rất nhiều người chơi lan trả các mức giá khác nhau và người trả giá cao nhất là anh Trần Thế Hưng – một người chơi lan ở Bình Dương. Kie lan đấu giá được chốt chuyển nhượng với giá trị là 11,7 tỷ đồng.
Anh Quốc Chính cũng cho biết, anh Hưng đã chuyển khoản 10% giá trị của cuộc đấu giá trên, số tiền còn lại, đến hết 18h ngày 4/8/2020, anh Hưng sẽ phải tất toán.
Kie lan được đấu giá 11,7 tỷ đồng hôm 1/8.
Buổi đấu giá online được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, lên tới hàng nghìn lượt bình luận.
Bên cạnh số tiền thu được từ kie lan này, buổi đấu giá còn kêu gọi mọi người cùng chung tay, ủng hộ công tác chống dịch Covid-19. Theo công bố của nhóm này, ước tính tổng số tiền trong đợt ủng hộ chống dịch lần này hiện đã lên đến 13 tỷ đồng (bao gồm cả số tiền 11,7 tỷ đồng bán kei lan đột biến).
Buổi đấu giá nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Trong đó, có rất nhiều người đăng tải hình ảnh trong mục bình luận của Livestream với nội dung đã chuyển khoản từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng để ủng hộ cùng nhóm đấu giá.
Lại một lần nữa, cộng đồng hoa lan đột biến "chia phe" vì giá trị của chậu lan. Bên cạnh những lời chúc mừng, thì có không ít ý kiến hoài nghi về giao dịch thực hiện qua mạng xã hội không ai kiểm chứng.
Thậm chí, nhiều người cho rằng, chỉ khi nào nhóm đấu giá hoa lan đưa được bằng chứng về việc đã ủng hộ chiến dịch chống dịch Covid-19 mới hoàn toàn tin tưởng, bằng không họ có quyền nghi ngờ đây chỉ là một "chiêu ảo" để thu hút sự chú ý và kích cầu giá lan đột biến.
"Đấu giá thành công xong bác cho mọi người thêm cái minh chứng về số tiền giao dịch và chuyển tới ủng hộ để mọi người ưng cái bụng", tài khoản Hoàng Phong chia sẻ.
Những hoài nghi của nhiều người không phải là không có cơ sở khi gần đây, nhiều người chơi lan lên tiếng về các vụ lừa đảo mua - bán hoa lan trên mạng xã hội.
Các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo người chơi tỉnh táo, bởi nếu thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí tín dụng đen làm giàu từ hoa lan, có thể sẽ phải "nếm trái đắng" vì đầu tư không đúng cách.
Thay vào đó, người mới chơi lan nên tìm hiểu các nhà vườn uy tín, lâu năm và có chế độ bảo hành cho đến khi cây trổ hoa để mua kie lan để hợp tác, thay vì tin những quảng cáo thổi phồng trên mạng.