Trước đó, các vụ ngộ độc botulinum do ăn Pate Minh Chay khiến hàng chục người phải nhập viện đã khiến cơ quan chức năng phải đưa ra lời cảnh báo đối với người dân trong việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn, khiến vi khuẩn xâm nhập, phát triển, gây ra độc tố. Vi khuẩn thủ phạm có tên Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là nha bào)”.
Vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt hoàn toàn độc tố khi đun sôi ở 100 độ C trong 10 phút. Vì vậy, ngay tại gia đình, người dân cần tuân thủ nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", Nếu để nguội, vi khuẩn vẫn có thể tồn tại và phát triển. Đồ ăn cũ cũng cần đun nóng một lúc và phải ăn ngay. "Người tiêu dùng nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín bởi việc nấu chín thực phẩm sẽ phá hủy độc tố botulinum nếu không may chúng tồn tại trong đó", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
TS. Nguyên cho biết, độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh nhưng nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín. Sau khi ăn, độc tố botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở). Trường hợp nhẹ có thể chỉ mỏi, yếu các cơ giống như suy nhược. Biểu hiện đối xứng hai bên và cảm giác vẫn bình thường.
Bệnh thường xuất hiện sau ăn thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc như: loại đóng hộp, chai, lọ, gói, túi, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không đảm bảo.
“Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm vào hộp, chai, lọ... Nếu buộc phải đóng gói, trước đó, cần rửa sạch, đảm bảo thực phẩm được chế biến đủ mặn (muối > 4,6%), đủ chua (độ pH < 5). Bên cạnh đó, bạn cần bảo quản thực phẩm ở điều kiện lạnh dưới 5 độ C. Ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ 5-10 độ C có thể không ngăn ngừa được vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên bảo quản trong điều kiện đông đá”, Giám đốc Trung tâm Chống độc nói.
Bác sĩ Nguyên thông tin thêm, do số ca ngộ độc hiếm, rất ít công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc này, dẫn đến khó mua và giá rất cao. Khi tích trữ thuốc đến lúc hết hạn phải hủy bỏ, nhưng nếu bất ngờ xảy ra thảm họa do sự cố an toàn thực phẩm, lại dễ thiếu thuốc. Bộ Y tế cho biết trên thế giới, thuốc được xếp vào nhóm thuốc hiếm, thuốc mồ côi (orphan drug), các quốc gia phải dự trữ thuốc này cùng các thuốc hiếm khác.