1/6 người Đức thường xuyên bỏ bữa để tiết kiệm chi tiêu

Thu Hằng |

Cứ 6 người Đức thì có 1 người bỏ bữa để tiết kiệm chi phí, theo một cuộc thăm dò mới đây. Tỉ lệ này trong nhóm hộ gia đình thu nhập thấp lên tới 32%.

Theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện vào đầu tuần này bởi Viện New Social Answers (INSA) và được công bố ngày 10/6 trên tờ Bild (Đức), 16% số người được hỏi cho biết họ thường bỏ bữa để tiết kiệm chi tiêu. Cũng theo thăm dò, 13% khác nói rằng họ lo sợ tình trạng thu nhập không đủ chi tiêu nếu giá lương thực tiếp tục tăng.

Theo cuộc thăm dò trên, những người thuộc các hộ gia đình thu nhập thấp, có thu nhập chịu thuế dưới 1.000 euro/tháng, chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với 32% số này thường xuyên buộc phải bỏ bữa vì lý do tài chính.

1/6 người Đức thường xuyên bỏ bữa để tiết kiệm chi tiêu - Ảnh 1.

Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực do cuộc xung đột Ukraine. Ảnh minh hoạ

Thăm dò của INSA được tiến hành vào ngày 7/6, lấy mẫu đại diện với 1.002 người.

Một phần lớn hơn đáng kể những người trả lời thăm dò (42%) cho biết họ buộc phải nấu ăn tiết kiệm hơn do khó khăn về tài chính, hoặc bỏ một số nguyên liệu trong bữa ăn hay bỏ món tráng miệng. 41% cho biết họ trông đợi vào các ưu đãi và giảm giá đặc biệt từ các siêu thị để nhận được nhiều giá trị nhất có thể.

Chủ tịch Hiệp hội Các vấn đề xã hội Đức Adolf Bauer, người đã cảnh báo Berlin không nên tham gia đề xuất cấm vận năng lượng trên toàn EU chống lại Nga, nói với tờ Bild rằng ông “rất lo lắng” trước kết quả cuộc khảo sát. Trước đó, ông đã dự đoán rằng các nỗ lực trừng phạt kinh tế Nga sẽ dẫn đến giá năng lượng, thực phẩm và chi phí chỗ ở tăng vọt, đồng thời dự đoán rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây ra nhiều tổn thương cho những người dân Đức bình thường hơn là ở Nga.

Verena Bentele, Chủ tịch nhóm vận động chính sách “Hiệp hội Xã hội Đức” có trụ sở tại Berlin, cho biết kết quả cuộc thăm dò phản ánh mối quan tâm của chính tổ chức này. “Các thành viên nói với chúng tôi rằng họ chỉ có thể mua mì ống và bánh mì nướng”, bà Verena nói với tờ Bild.

Bản thân bà đã đề nghị chính phủ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm tươi sống và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho những người khó khăn.

Giá cả thực phẩm và nhiên liệu ở Đức đã tăng vọt trong những tháng gần đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với than, dầu và khí đốt của Nga. Điều này xảy ra khi lạm phát tiếp tục tăng sau những phản ứng đối với đại dịch COVID-19. Tệ hơn nữa, do các lệnh trừng phạt của EU đối với phân bón của Nga và Belarus, quốc gia này dự kiến ​​sẽ mất tới 3 triệu tấn sản lượng thu hoạch trong năm tới.

Bên ngoài nước Đức, phần còn lại của châu Âu cũng đang phải chịu đựng tình trạng tương tự. EU năm ngoái đã tìm nguồn cung ứng 4,6 triệu tấn trong số 13 triệu tấn lương thực mà khối này nhập từ hai quốc gia bị trừng phạt. Một cuộc thăm dò được công bố vào tháng trước cho thấy 1/4 số người được khảo sát ở Anh cũng đang bỏ bữa do lạm phát ngày càng tăng và mối đe dọa khan hiếm thực phẩm.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra những dự báo về nạn đói do hậu quả của phản ứng với dịch COVID -19, lạm phát, các lệnh trừng phạt và việc phong toả đường biển đã ngăn cản Nga và Ukraine, hai trong số những nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, xuất khẩu nông sản. Trong khi Ukraine khẳng định việc họ không xuất khẩu được ngũ cốc lưu trữ tại các cảng ở Biển Đen là do Nga phong toả, thì Moskva lại phản bác rằng các “tiểu đoàn chủ nghĩa dân tộc" của Kiev đã cố tình đốt 50.000 tấn ngũ cốc ở Mariupol để đổ lỗi cho Nga về khủng hoảng lương thực toàn cầu.

1/6 người Đức thường xuyên bỏ bữa để tiết kiệm chi tiêu - Ảnh 2.

Người dân ở Donetsk, Ukraine nhận cứu trợ thực phẩm. Ảnh: Xinhua/Getty Images

Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo hàng triệu người trên thế giới có thể bị đói nếu xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine giảm thêm. Theo báo cáo của nhóm Ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính của Liên hợp quốc (LHQ). công bố ngày 8/6, có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay, do cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của nó đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Báo cáo viết: "Lương thực không bao giờ nên là thứ xa xỉ. Đó là quyền cơ bản của con người. Cuộc khủng hoảng này có thể nhanh chóng biến thành một thảm họa lương thực trên toàn cầu".

LHQ dự báo tình hình có thể xấu đi sau năm 2022, với 19 triệu người dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính trên toàn cầu vào năm 2023 nếu xuất khẩu lương thực từ Nga và Ukraine tiếp tục giảm.

Cụ thể, giá thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, trong khi giá phân bón tăng gấp đôi đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất lương thực. Báo cáo cũng nhấn mạnh nếu không có phân bón, tình trạng giảm năng suất cây lương thực sẽ xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỉ người ở châu Á và Nam Mỹ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra sự hỗn loạn trong xã hội và kinh tế trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm hậu quả của những cuộc khủng hoảng khác mà toàn cầu đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, COVID-19 và sự bất bình đẳng.

Ông Guterres kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại