Đoạn mô phỏng chưa trọn vẹn
Mới đây, giám đốc Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CNTBTO), ông Lassina Zerbo đã đăng tải trên Twitter đoạn video mô phỏng sự di chuyển của đám mây phóng xạ từ vụ nổ bom hạt nhân của Triều Tiên tại Thái Bình Dương.
Theo ông Zerbo, đây là hình ảnh mô phỏng thô về sự di chuyển và phát tán của đám mây đồng vị phóng xạ dựa trên các dữ liệu của một vụ nổ giả định.
Nếu Triều Tiên cho nổ bom H ngày 15/9, thì sau 2 tuần (tới ngày 1/10), bụi phóng xạ sẽ lan ra khoảng 1/3 diện tích bề mặt Trái Đất (tương đương 170 triệu km2).
Tuy nhiên, mô phỏng của ông không cung cấp thông tin về mức độ ảnh hưởng và độ nguy hiểm của các đám mây phóng xạ.
Thêm vào đó, theo lời bình luận của giáo sư Alex Wellerstein, chuyên gia nghiên cứu lịch sử ngành khoa học hạt nhân tại Đại học Harvard, đoạn mô phỏng cũng rất dễ gây hiểu lầm bởi không giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa 2 loại bụi phóng xạ.
Khi một quả bom hạt nhân nổ, tàn dư phóng xạ trực tiếp tác động tới bề mặt Trái Đất là loại nguy hiểm nhất, có thể ảnh hưởng và đe dọa tính mạng của sinh vật sống khi tiếp xúc. Các phân tử phóng xạ này có kích thước từ 100 nanomet cho tới vài milimet.
Theo ông Wellerstein, tùy khu vực địa lí và mức độ, người dân phải tìm nơi ẩn náu từ 1 ngày tới 2 tuần để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của loại phóng xạ này.
Mô phỏng mây phóng xạ phát tán từ bom H Triều Tiên. Nguồn: Lassina Zerbo
Trong khi đó, bụi phóng xạ cách xa mặt đất sẽ được phát tán qua tầng bình lưu chủ yếu nhờ gió và các hiện tượng tự nhiên khác như mưa, bão. Đây là loại phóng xạ có kích thước nhỏ, chỉ từ 10 nanomet cho tới 20 micromet.
Các nghiên cứu chưa chỉ ra được mức độ ảnh hưởng trực tiếp của loại bụi này, bởi mức độ phát tán diễn ra trên phạm vi toàn cầu, và phải mất nhiều năm cơ thể con người, sinh vật mới hấp thụ đủ phóng xạ để thấy được hậu quả.
Tuy vậy, các nhà khoa học cũng cho rằng ảnh hưởng không lớn, và không đáng lo ngại.
Đoạn mô phỏng của ông Zerbo ghi lại sự phân tán của loại bụi này, và có khả năng cao sẽ gây hiểu lầm cho không ít người theo dõi.
Trong một vụ nổ hạt nhân giả định, cư dân tại các khu vực khác nhau sẽ cần thời gian trú ẩn khác nhau để tránh tàn dư phóng xạ (từ ít nhất 2 ngày tới 2 tuần). Ảnh: Alex Wellerstein
Liên tiếp khẩu chiến và cấm vận
Mới đây, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc "hành động cấp cao nhất" để đối phó với Mỹ.
Trả lời hãng tinYonhap tại New York, ông Ri nói: "Chúng tôi chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Triều Tiên sẽ đợi lệnh của lãnh đạo Kim Jong Un. Có thể chúng tôi sẽ thử một quả bom H mạnh nhất ở Thái Bình Dương."
Đáp lại lời nói của ông Ri tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên "sẽ không còn tồn tại lâu" và gọi ông Kim là "Người Tên lửa bé nhỏ."
Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên ngày 3/9 mới đây có sức mạnh gấp 16 lần quả bom đã hủy diệt Hiroshima năm 1945.
Cộng đồng quốc tế đã phản ứng mạnh với hành động này của Triều Tiên. Liên Hợp Quốc đã tiếp tục siết chặt các cấm vận về mặt hàng dệt may, dầu thô và các mặt hàng khác.
Trong khi đó, chính quyền ông Trump cũng ra lệnh cấm giao dịch với 8 ngân hàng của Bình Nhưỡng và 26 cá nhân là đại diện của các ngân hàng này tại khắp thế giới.
Nga và Trung Quốc đã kêu gọi các bên ngừng gia tăng căng thẳng và thúc giục thực hiện kế hoạch "đóng băng kép". Theo đó, Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân, tên lửa còn liên quân Mỹ-Hàn sẽ ngừng tập trận. Tuy nhiên, Mỹ đã ngay lập tức khước từ lời đề nghị này.