Tờ Haaretz (Israel) ngày 10/9 xuất bản bài phân tích có tựa đề: "Are Syrian Refugees Destined to Be the Palestinians of the 21st Century?" (tạm dịch: Những người tị nạn Syria được định sẵn là người Palestine của thế kỷ 21?) của tác giả David Rosenberg.
Tổ chức giải phóng Syria?
Rosenberg xây dựng một viễn cảnh vào năm 2030. Một nhóm khủng bố - giả định là "Tổ chức Giải phóng Syria" (SLO) - đã đồng thời cướp được ba máy bay chở khách. SLO cũng đã điều khiển được mạng lưới điện của ba thành phố lớn, gây mất điện và thương vong hàng loạt. Các thủ lĩnh SLO tuyên bố không từ bỏ các hoạt đông tấn công cho đến khi 100 tay súng của nhóm được [chính phủ] phóng thích.
Chiến tranh Syria đã kết thúc một thập kỷ trước nhưng hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong các trại tị nạn, không được chào đón ở nước sở tại nhưng lại không thể hoặc không muốn trở về nhà.
Các khu lều trại đã dần dần phát triển thành các khu dân cư, nhưng ở đó việc làm, giáo dục và y tế mà người tị nạn Syria nhận được từ Liên Hợp Quốc đều rất hạn chế.
Nếu kịch bản tương lai này có vẻ giống như số phận của người tị nạn Palestine sau Chiến tranh Arab - Israel năm 1948 và các cuộc chiến phát sinh từ đó, thì đó hoàn toàn không phải là sự trùng hợp - tác giả Rosenberg nêu.
Cho tới thời điểm hiện tại, nội chiến Syria đã gần như kết thúc.
Các chiến binh người Palestine trong trại tị nạn Burj el-Barajneh, thủ đô Beirut của Lebanon năm 1988.
Bao nhiêu người Syria hiện sống ngoài đất nước?
Giống như người Palestine, nhiều khả năng là tình trạng của những người tị nạn Syria sẽ trở thành vĩnh viễn nếu không vì lý do nào khác khiến Chính phủ của Tổng thống Bashar Assad muốn họ quay trở lại.
Theo Rosenberg, chính phủ Syria lúc này đã coi tất cả những người tị nạn là "nghi phạm chính trị" và việc hạn chế trở về của họ nhằm mục đích tạo ra một Syria với các công dân trung thành về tôn giáo và dân tộc.
Với dân số 21 triệu người trước chiến tranh, hiện tại 6,7 triệu người Syria hiện đang là người tị nạn đang cố gắng sinh tồn ở các quốc gia khác.
Một thống kê vào năm 2014 cho thấy số người tị nạn Syria tại các quốc gia ngoài Châu Âu.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng chỉ 355.000 người trong số họ đã trở lại Syria trong 5 năm qua mặc dù hầu hết lãnh thổ nước này không còn là khu vực giao tranh.
Con số nhỏ bé đó có thể bị chìm nghỉm trước làn sóng những người tị nạn mới khi Nga và Syria tấn công Idlib, thành trì của phiến loạn cuối cùng ở tây bắc Syria.
Về kinh tế, số người phải đi tị nạn khổng lồ nói trên là một thảm họa cho Syria. Toàn bộ quá trình "tái thiết" sẽ bắt đầu với dân số nhỏ hơn gần 1/3 so với một thập kỷ trước.
Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các đồng minh của chính phủ nước này tỏ ra chưa "mặn mà" trong việc chi khoảng 400 tỷ USD để tái xây dựng lại nền kinh tế Syria. Điều an ủi duy nhất là chính phủ của Tổng thống Assad sẽ phải xây dựng ít nhà cửa hơn và phải đảm bảo ít việc làm hơn.
Người tị nạn Syria trở về từ Lebanon và Jordan
Thiệt hại về dân số có phải là lợi thế dành cho "đối phương" của Syria?
Về lý thuyết, một dòng người tị nạn có thể đem lại lợi ích cho một quốc gia tiếp nhận, một nguồn lao động mới và một thị trường đầy ắp nhu cầu cho hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng điều đó chỉ đúng nếu nước chủ nhà có nền kinh tế đủ năng động để tận dụng tình thế. Đó không phải là trường hợp xảy ra với đại đa số người tị nạn Syria.
Liên Họp Quốc ước tính rằng hơn 920.000 người tị nạn hiện đang ở Lebanon, đây là tỷ lệ người tị nạn cao nhất so với người dân bản địa của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (dân số Lebanon là khoảng 6 triệu người).
Số 2 trong danh sách về mật độ người tị nạn là ở Jordan, nơi đang có khoảng 657.000 người (dân số Jordan là khoảng 9,5 triệu người).
Một trại tị nạn dành cho người Syria ở Lebanon.
Cả hai quốc gia tiếp nhận người tị nạn đều đang trong tình trạng kinh tế khó khăn. Nền kinh tế Lebanon dự kiến sẽ thu hẹp trong năm nay, và Jordan thì không khá hơn.
Rõ ràng không có bất kỳ cơ hội nào cho thấy một sự thúc đẩy kinh tế từ những người tị nạn trong tương lai gần. Những người tị nạn chắc chắn sẽ trở thành nguồn cơn giận dữ đối với dân bản địa khi kinh tế suy sụp.
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay là nước có số lượng người tị nạn Syria lớn nhất, với gần 3,7 triệu người. Ankara có vẻ là một "chủ nhà hào phóng", cung cấp y tế miễn phí, trường học, giấy phép làm việc và thậm chí cấp quyền công dân trong một số trường hợp.
Nhưng đó là khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển mạnh mẽ. Gần đây nó bắt đầu rơi vào suy thoái và sự chào đón đã nhanh chóng kết thúc. Do sự quản lý kinh tế ngày càng sai lầm của Chính phủ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sẵn sàng cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo rằng nếu làn sóng người tị nạn tiếp theo xảy ra, họ sẽ được đưa đến châu Âu .
Châu Âu đã tiếp nhận 1 triệu người Syria và các quốc gia ở đây không muốn thêm nữa.
Nếu nền kinh tế Đức đang phát triển một cách nhanh chóng thì các doanh nghiệp có thể "hấp thu dần dần" những người tị nạn vào lực lượng lao động. Nhưng hiện tại khi Đức đang tiến tới suy thoái và EU đang lung lay, công việc sẽ ít hơn và sự cạnh tranh đối với họ rất khốc liệt.
Sự chào đón đối với những người tị nạn đã giảm sút và trong thời kỳ kinh tế khó khăn, điều này có thể hoàn toàn biến mất.
Người Đức chào đón người tị nạn Syria
Tương lai nào cho người tị nạn Syria?
Tuy nhiên, nền kinh tế châu Âu cuối cùng cũng sẽ phục hồi và hưởng lợi từ dòng người tị nạn, đặc biệt là do tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa với việc họ rất cần nguồn lao động mới trong thời gian dài.
Trung Đông là một vấn đề hoàn toàn khác. Vấn đề của khu vực này không phải là thiếu công nhân, mà là thiếu các cơ hội kinh tế.
Người Syria trong các trại tị nạn sẽ không hòa nhập hoàn toàn vào các quốc gia sở tại, cũng giống như những người tị nạn từ Palestine năm 1948 và 1967. Họ sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn nếu số lượng gia tăng, và tình trạng kinh tế tồi tệ của các nước khiến gia tăng sự thù địch với người nước ngoài.
Trong hoàn cảnh đó, một tổ chức khủng bố "như SLO" hoặc một cái gì đó tương tự xuất hiện dường như là một điều không thể tránh khỏi.
Cùng với hàng triệu người tị nạn ở nước ngoài, ngay trong lãnh thổ Syria cũng có tới hàng triệu người khác phải di tản khỏi các khu vực giao tranh trong 8 năm nội chiến.