Lời khẳng định hùng hồn này của BKAV như câu trả lời trước những nghi ngờ của một lượng người dùng về nguồn gốc thật sự của Bphone.
Tuy nhiên dường như muốn làm rõ hơn, mới đây tại buổi họp báo sau khi ra mắt Bphone 2017, ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng giám đốc BKAV đã liệt kê một cách cụ thể các thành phần đến từ Trung Quốc của chiếc máy này nhằm dập tan hoàn toàn những hiểu lầm không đáng có.
Bphone 2017 bao gồm 0.9% linh kiện đến từ Trung Quốc
Theo lời ông Quảng, trong 900 linh kiện cấu thành nên Bphone 2017, có 54% linh kiện đến từ Nhật Bản, 23% đến từ Mỹ, số còn lại đến từ châu Âu. 0.9% linh kiện đến từ Trung Quốc bao gồm:
- Màng loa thoại
- Đóng gói module camera trước và sau: Các linh kiện cấu thành camera Bphone 2017 như cảm biến, ống kính, motor... đều đến từ các tên tuổi nổi tiếng từ Nhật Bản, Pháp hay Mỹ. Tuy nhiên, quá trình đóng gói các thành phần trên thành một module hoàn chỉnh sẽ do hãng Truly (Hong Kong) thực hiện.
- Viền kim loại vân tay: Bphone 2017 sử dụng cảm biến vân tay của công ty FPC (Thụy Sĩ), được sử dụng rộng rãi trên nhiều dòng sản phẩm của các hãng khác. Tuy nhiên, tương tự như module camera, phần viền kim loại bao quanh cảm biến này cũng do Truly (Hong Kong) chịu trách nhiệm.
- Motor rung: Bphone 2017 có bộ rung do hãng Jinlong sản xuất. BKAV cho biết hãng lựa chọn Jinlong do đây cũng là đối tác sản xuất bộ rung cho Apple trên iPhone, cho chất lượng tốt.
- Pin: BKAV có hai đối tác sản xuất pin cho Bphone 2017 là LG và Amperex Technology. Nếu như LG rõ ràng là một công ty đến từ Hàn Quốc, thì Amperex lại đến từ Hong Kong. Năm ngoái, Amperex từng dính dáng đến vụ việc Galaxy Note7 phát nổ do hãng này cũng là đối tác của Samsung.
Tuy nhiên, ông Quảng khẳng định BKAV đã tìm hiểu rất kỹ và biết rằng sự cố Note7 xảy ra là do Samsung đã "ép" Amperex sản xuất những viên pin quá mỏng. Ngoài ra, Amperex cũng là một trong ba hãng sản xuất pin lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, người dùng Bphone sẽ không cần lo lắng về vấn đề an toàn trên Bphone 2017.