Trên phương diện khoa học, dịch bệnh là vấn đề của con số, chưa bao giờ những con số có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên thế giới như hiện nay.
Đó là những con số như 14 ngày cách ly, là hệ số lây lan 1.4 - 2.5. Vậy đằng sau những con số này là gì, xuất phát từ đâu, đúng hay sai?
𝐂𝐨𝐧 𝐬ố 𝟏𝟒
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng làm thời gian cần thiết để cách ly hành khách trở về nước từ nước ngoài, hay những người có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Con số 14 ngày là thời gian ủ bệnh (hay 'incubation period' trong thuật ngữ dịch tễ học). Thời gian ủ bệnh tính từ lúc bị nhiễm virus đến lúc có triệu chứng như sốt, ho, đau cơ.
Con số 14 đến từ đâu? Lúc ban đầu khi dịch mới khởi phát, các nhà dịch tễ học quan sát rằng thời gian ủ bệnh của một số bệnh nhân Vũ Hán là dao động từ 2 đến 7 ngày, nhưng vài trường hợp thì lên đến 14 ngày. Vậy là các giới chức y tế lập tức dùng con số 14 như là giới hạn cao nhất để cách ly bệnh nhân hay người nghi/có nguy cơ cao.
14 ngày là khoảng thời gian cách ly an toàn
Nhưng khi dữ liệu được thu thập đầy đủ hơn thì thời gian ủ bệnh hơi khác một chút. Chẳng hạn như công trình nghiên cứu công bố trên 177 bệnh nhân (tập san Ann Int Med, 10/3/2020 cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình là 5.1 ngày, với 95% ca dao động từ 4.5 đến 5.8 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng bắt đầu trong vòng 11.5 ngày sau khi nhiễm, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 8.2 đến 15.6 ngày.
Do đó, nếu dựa vào chứng cớ này thì đáng lí ra thời gian cách ly phải là 16 ngày. Thế nhưng, hầu hết các giới chức y tế trên thế giới đều dùng con số 14 ngày -đúng 2 tuần. Lý do là họ phải ra quyết định trong lúc dữ liệu chưa đầy đủ, chứ không thể chờ đến cả tháng sau mới biết con số chính xác là bao nhiêu.
𝐂𝐨𝐧 số 𝟏.𝟒- 𝟐.𝟓
Trong dịch bệnh, hệ số lây lan rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách. Hệ số này còn có tên tiếng Anh là 'basic reproduction ratio' và theo qui ước thì kí hiệu là R0.
Một cách ngắn gọn và cụ thể, nếu trận dịch có R0 = 2 có nghĩa là, tính trung bình, 1 người bị nhiễm có thể lây cho 2 người khác trong cộng đồng chưa bị nhiễm trước đây. Từ đó, chúng ta có thể suy đoán rằng khi R0 cao hơn 1 có nghĩa là dịch vẫn còn lan truyền, nhưng khi R0 thấp hơn 1 có nghĩa là dịch bệnh đang suy giảm.
Hệ số lây lan của Covid - 19 vẫn được nhiều người ước tính
Tuy ý nghĩa đơn giản như vậy, nhưng những tính toán đằng sau thì không hề đơn giản. Không đơn giản là vì để ước tính chỉ số R0 đòi hỏi phải có nhiều dữ liệu quan sát, và phẩm chất dữ liệu phải tốt.
Nhưng dữ liệu dịch tễ thì thường thu thập trong môi trường cộng đồng, nên độ chính xác thường không cao như thu thập trong môi trường thí nghiệm có kiểm soát. Thành ra, tất cả các chỉ số R0 chỉ mang tính ước lệ và xấp xỉ.
Có lẽ tôi là người đầu tiên trong cộng đồng Việt đề cập đến hệ số này vào ngày 31/1/2020. Lúc đó thấy mọi người hoang mang về vấn đề bộc phát của dịch, nên tôi cố tìm trong y văn thì thấy hệ số này được báo cáo rất sơ khởi là từ 1.4 đến 2.5.
Nguồn gốc của nó là từ WHO được ước tính từ các dịch SARS và MERS. Lúc đó, tôi viết "Qua những con số trên đây chúng ta có thể thấy dịch Vũ Hán là đáng quan tâm, nhưng không quá nguy hiểm so với các trận dịch trước đây như SARS-CoV và MERS-CoV.
Tuy nhiên, diễn biến trong tương lai thì khó biết, vì phải chờ thêm dữ liệu. Câu đó đến nay có phần đúng nhưng cũng có phần sai.
Cho đến nay, hệ số lây lan R0 được nhiều người ước tính, và kết quả hơi khác với WHO. Chẳng hạn như một bài báo công bố trên Int J Infect Dis (22/2/2020), các tác giả Trung Quốc dựa vào dữ liệu thực tế ước tính rằng R0 dao động từ 2.06 đến 2.52, với trung bình là 2.28. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đã thấy vài ca 'siêu lây lan' bên Hàn Quốc.
Còn Việt Nam thì tôi nghĩ chưa đủ chứng cứ thuyết phục để nói ca 17 là 'siêu lây lan'. Ở đây, một lần nữa, nhà chức trách có thể dùng dữ liệu của các trận dịch trước để ước tính R0, chứ không chờ đến khi có dữ liệu mới.